Gạo Việt Nam gặp khó trên đường ra thế giới

13:55 05/05/2021

Cước phí vận chuyển tăng cao và thương hiệu “gạo ngon nhất thế giới” đang bị các doanh nghiệp (DN) nước ngoài liên tiếp đăng kí bảo hộ thương hiệu là khó khăn hiện hữu của tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến phiên giao dịch ngày 3/5, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm mạnh so với ngày 26/3. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá 483-487 USD/tấn (giảm 35 USD/tấn); gạo 25% tấm giá 458-462 USD/tấn (giảm 30 USD/tấn); gạo 100% tấm 423-427 USD/tấn (15 USD/tấn).

Về thông tin cước phí container, vận chuyển tăng cao, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bộ này làm việc với các hãng tàu biển để họ tăng chuyến, tăng cường đưa container về Việt Nam, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các đại lý hãng tàu tăng giá, thu các khoản phí bất hợp lý, ảnh hưởng đến DN xuất nhập khẩu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng kiến nghị các DN đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa sang châu Âu bằng đường sắt để giảm phụ thuộc vào đường biển.

Một thương nhân xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, chúng ta đã mất lợi thế vì chi phí logistics quá cao. Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ dù điều chỉnh giá giảm nhưng đồng Baht và Rupee của các nước này giảm giá so với đôla Mỹ đã giúp họ có giá gạo xuất khẩu khá cạnh tranh. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức thấp, 480-483 USD/tấn còn Ấn Độ là 408-412 USD/tấn.

Bên cạnh đó, việc giá xuất khẩu liên tục giảm sâu cũng gây áp lực lên thị trường lúa gạo trong nước. Theo đó, từ giữa tháng 3 tới nay giá lúa gạo trong nước đã được chiều chỉnh giảm nhiều lần, trong đó, chỉ riêng với lúa thường hạt dài nếu như thời điểm giữa tháng 3/2021 ở mức cao trên 7.000 đồng/kg thì nay đã giảm về mức bình quân khoảng 6.300 đồng/kg.

Mặc dù giá lúa đã giảm nhưng bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An - chia sẻ rằng, việc thu mua lúa hiện vẫn cầm chừng do doanh nghiệp này chưa dám thương thảo các hợp đồng mới. “Giá lúa gạo tại nội địa vẫn khá cao, chất lượng gạo kém, tỷ lệ hao hụt nhiều, nếu cố mua xuất đi phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiệp” - bà Liên cho biết.

Về mặt thương hiệu, các loại “gạo ngon nhất thế giới” ST24 và ST25 của Việt Nam thời gian gần đây liên tục bị các DN nước ngoài rập rình bảo hộ thương hiệu. Sau vụ 4 DN Mỹ gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu loại gạo này, mới đây một DN tại Úc là Cty T&L Global Foods Supply PTY LTD cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 là gạo ngon nhất thế giới. Điều này không khỏi dấy lên lo ngại các thương hiệu gạo Việt đứng trước nguy cơ bị rơi vào tay DN nước ngoài.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tại các bộ, ngành đã thống nhất thành lập tổ liên ngành về bảo vệ thương hiệu gạo ST24 và ST25. Trong tổ này có đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị chủ trì, xử lý. Các thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Úc cũng đã vào cuộc để xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

PV