F1 nên học mô hình chủ sở hữu của bóng đá

00:00 12/10/2020

Giá trị tài sản của giải đua xe Công thức 1 (F1) đã bị sụt giảm rất nhiều vì sự bùng phát của virus corona có lẽ nhiều hơn bất kỳ môn thể thao nào khác. Có lẽ là giờ họ nên học theo mô hình chủ sở hữu của bóng đá.

Các chặng đua của F1 diễn ra trên toàn thế giới và thu hút 4,2 triệu khán giả vào năm ngoái, vì thế, họ phụ thuộc vào việc các biên giới được mở và các chính phủ cho phép tụ tập đông người. Thế nên, khi mùa giải 2020 chưa diễn ra, doanh thu của F1 chịu ảnh hưởng rất lớn.

Không đua, không có tiền

Theo nhiều nguồn tin, F1 có đủ nguồn lực để trang trải chi phí của mình trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay nhờ 402 triệu USD tiền mặt trong ngân hàng và 500 triệu USD thấu chi tín dụng. Vì thế, vấn đề của F1 nằm ở các đội đua và các chặng đua. Bởi thống kê cho thấy chi phí trung bình hằng năm của các đội đua vào khoảng 235 triệu USD và được trang trải từ 3 nguồn doanh thu. Có điều, 2 nguồn thu hiện đang ngừng trệ, còn nguồn thu kia cũng cạn kiệt.

Nguồn thu đầu tiên là tài trợ vốn phụ thuộc vào các thương hiệu quảng bá trên truyền hình trong các chặng đua. Thứ hai là tiền thưởng, chiếm 68% lợi nhuận của F1. Việc các chặng đua không diễn ra đã làm giảm doanh thu của F1 khi phần lớn đến từ phí tổ chức Grand Prix, truyền hình, nhà tài trợ và tiền vé. Thứ ba là đầu tư từ các chủ sở hữu. Các hãng xe Ferrari, McLaren, Mercedes và Renault đang sở hữu 4 đội đua nổi tiếng nhất F1 nhưng việc kinh doanh của họ bị đình trệ do các đại lý đã đóng cửa. Theo tờ Financial Times, việc ngừng hoạt động của ngành công nghiệp ô tô có thể làm giảm 100 tỷ USD doanh thu nếu các nhà máy trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đóng cửa cho đến cuối tháng 4

Tương lai của các đội đua vì thế đang được đặt trước những dấu hỏi lớn và theo ông chủ của McLaren, Zak Brown thừa nhận, ông "có thể thấy 4 đội biến mất" nếu tình hình không cải thiện. Nghĩa là bánh xe của các đội đua không lăn, họ có nguy cơ đâm vào ngõ cụt. Điều này giải thích tại sao họ cần sự hỗ trợ của Liberty, công ty quản lí F1, để bảo đảm rằng mùa giải 2021 vẫn giữ nguyên được số đội đua như hiện tại.

Chú thích ảnhVới F1, không đua là không có tiền

Như đã biết, 9 chặng đua đầu tiên của mùa giải đã bị hoãn hoặc hủy nhưng 13 chặng đua khác vẫn có khả năng diễn ra. Rắc rối là các đội đua cần bắt đầu chi tiêu để chuẩn bị cho những chặng đua này nhưng họ lại thiếu tiền để làm điều đó. Và tiền thì phụ thuộc vào doanh số bán vé đang bị đình trệ khi người hâm mộ không biết họ có thể di chuyển hay thậm chí liệu các chính phủ có cho phép các chặng đua diễn ra hay không.

Đổi quyền sở hữu?

Mặc dù công ty con của Liberty là Topco Delta Topco điều hành F1, nhưng nó không sở hữu F1. Trên thực tế, nhiều tài liệu cho biết, chính Liên đoàn xe quốc tế (FIA) mới là những người sở hữu F1. Trên tất cả, bản quyền thương mại thể thao của F1 vẫn sẽ có giá trị rất lớn và F1 hoặc FIA có thể bán chúng với một số tiền lớn. Đây là điều không phải hiếm khi một số liên đoàn thể thao trong nước và quốc tế nắm giữ cổ phần các giải đấu, và thậm chí sở hữu và quản lý một số giải.

Ví dụ nổi tiếng nhất là Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA). Ngoài việc là cơ quan quản lý bóng đá quốc tế, FIFA còn ký các thỏa thuận bản quyền cho World Cup với các đài truyền hình như BBC. Tương tự, Liên đoàn bóng đá Anh điều hành bóng đá Anh và nắm quyền điều hành ở các giải đấu như FA Cup.

Ở môn đua xe tốc độ, FIA từng điều hành Giải vô địch thế giới vào đầu năm 2012 sau khi chấm dứt hợp đồng với công ty sản xuất North One Sport khi công ty mẹ của nó, Convers Sports Initiatives, bị vỡ nợ. FIA sau đó đã bán bản quyền cho công ty nước tăng lực Red Bull và công ty tiếp thị Sportsman Media vẫn đang là nhà tổ chức cho đến ngày nay. Vì thế, thời gian sẽ trả lời xem liệu Liberty có tồn tại lâu dưới bánh xe F1 hay không trước khi FIA ra tay can thiệp.

Mạnh Hào

Tags: