EVN: Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số

15:50 07/04/2021

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nhiều giải pháp để đạt được những mục tiêu đề ra, thực hiện năm chủ đề chuyển đổi số và phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Cụ thể, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN- cho biết, EVN phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. 

Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ủy EVN tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác chuyển đổi số. Rà soát, sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Đồng thời, nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo. Tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực như: Sản xuất điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ… Trên thực tế, từ nhiều năm qua, EVN đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, điển hình là Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN”. EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai đề án; đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin và an ninh bảo mật; triển khai quán triệt, đào tạo nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên… Nhờ đó, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điển hình năm 2020, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp bình quân giảm còn 3,5 ngày, bằng 50% so với chỉ tiêu giao (7 ngày); tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ước đạt 70%, vượt 10% so kế hoạch; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt kế hoạch giao (90%). Số hóa các dịch vụ điện Nhằm đưa đến các dịch vụ tiện ích cho khách hàng thông qua môi trường số hóa, mới đây EVN đã ban hành Quyết định số 353/QĐ-EVN quy định về các nhóm dịch vụ điện. Theo đó, hình thức cung cấp dịch vụ sẽ theo hai phương thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cụ thể, với hình thức trực tuyến, khách hàng sử dụng dịch vụ điện qua môi trường mạng từ đăng ký dịch vụ, cung cấp hồ sơ (tập tin điện tử), thanh toán chi phí (chuyển khoản, Internet/Mobile/SMS banking, ví điện tử,…) và xác nhận điện tử bằng chứng thư số hoặc mã OTP. Với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với khách hàng chưa đủ điều kiện thực hiện trực tuyến hoàn toàn, áp dụng tối đa các bước có đủ điều kiện thực hiện hình thức trực tuyến kết hợp với hình thức trực tiếp. Quyết định này cũng quy định nhiều thông tin hữu ích cho khách hàng về ký hợp đồng mua bán điện theo hình thức điện tử; đặt cọc tiền hoặc bảo lãnh ngân hàng đối với khách hàng đăng ký hoặc có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên; các quy định về giao dịch, chứng thực… Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào, khách hàng cũng được nhân viên giao dịch EVN hỗ trợ đầy đủ, nhiệt tình.

Trung Hiếu