EVFTA vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển

00:00 12/10/2020

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ Việt Nam - EU và mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam. Những FTA này không có tác động lớn đến hoạt động của từng bộ, ngành, từng cơ quan quản lý nhà nước, mà còn tác động đến đời sống của mỗi doanh nghiệp, người dân, góp phần tạo nền tảng quan trọng thay đổi vượt bậc, giải phóng năng lực sản xuất của nông dân và doanh nghiệp Việt.

EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Nguồn: Internet

Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, EVFTA mang lại nhiều cơ hội. Hàng loạt mặt hàng được giảm thuế xuống còn 0%, mở đường cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU và ngược lại. Đồng thời, người tiêu dùng hai bên cũng có cơ hội sử dụng hàng hóa chất lượng với giá cả hấp dẫn.

EVFTA vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Nguồn: Internet

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: "EVFTA là hiệp định tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam xét trên cả khía cạnh tự do và công bằng. Chừng nào thực hiện EVFTA càng sớm, hiệp định mang lại lợi ích càng cao.” Tính bổ sung trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU rất cao. Thị trường châu Âu cung cấp nhiều nguyên liệu đối với các nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Đối với mặt hàng da dày, dệt may của Việt Nam, dung lượng dành cho Việt Nam đủ lớn để khai thác các cơ hội, hình thành chuỗi giá trị, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, EVFTA đem lại cơ hội tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, đóng góp tăng trưởng GDP cho đất nước, nâng cao công nghệ. EVFTA giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển ở thị trường châu Âu và sẽ có điều kiện hình thành các chuỗi giá trị. Hơn nữa, toàn bộ hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan sắp tới và cả những điều kiện thuận lợi hóa thương mại đều là những ngành hàng quan trọng, kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng nông sản, gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, trái cây... đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ những năm đầu tiên. Những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

Nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% và đến giai đoạn 2025-2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70 đến 80%. Theo tính toán, dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4 đến 6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ tăng lên 70 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù có lợi thế giảm thuế nhưng hàng rào thuế quan không phải là tất cả trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và nông dân. “Cắt giảm hàng rào thuế quan tạo những bước đi rất cơ bản. Những yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch… đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đó", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Ảnh minh họa

Từ phía cộng động doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào những cơ hội chưa từng có từ hai Hiệp định kết nối Việt Nam với EU – đối tác thương mại chiếm xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ngoài khu vực châu Á tại Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất. Việc ký kết Hiệp định EVFTA, bên cạnh bảo đảm những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại, đồng thời hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững. Hiện, Việt Nam đang hướng tới một thế hệ FDI mới chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Do đó, EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp EU thực hiện điều này. Việt Nam và EU đều kỳ vọng về những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại cho cả hai bên.

Cộng đồng doanh nghiệp rất mong mỏi sẽ có nhiều mô hình hợp tác tốt nhất giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để EVFTA trở thành hiệp định tốt nhất. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam, EVFTA và IPA với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam, đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế ở nước ta. Tuy nhiên, EVFTA vừa là áp lực, vừa là động lực để cải cách thể chế, nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những cải cách thực chất, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, nếu một mình doanh nghiệp trên sân chơi thì rất khó để vượt qua các khó khăn. Để vượt qua thách thức, thì vấn đề thông thoáng về thể chế đặc biệt quan trọng. Cùng đó, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin cụ thể về Hiệp định, trên cơ sở đó doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Vũ Tiến Lộc, để doanh nghiệp Việt Nam trả lời được câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để vượt qua thách thức thì trước tiên, đó là đảm bảo quy tắc xuất xứ, vượt qua được quy tắc này là nỗ lực rất lớn, sử dụng nguyên liệu từ EU, từ đó tăng cường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Do rào cản thương mại của EU thuộc cao nhất, vệ sinh dịch tễ tiêu chuẩn rất cao. Vượt qua và đáp ứng tiêu chuẩn này cần sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, cần sự tạo lập chính sách và sự hỗ trợ của EU về kỹ thuật để nâng cao được chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đó. Cùng đó, chi phí tuân thủ kèm theo điều kiện rất cao về môi trường và lao động, đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất. Cuối cùng, hiểu được cam kết nhưng phải vận dụng được, phải hiểu được.Trên cơ sở đó, doanh nghiệp biết cách cơ cấu lại thị trường, đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu.

 Có thể nói, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Bà Cecilia Malmström - Cao ủy Thương mại của EU

 Hiệp định EVFTA là một hiệp định rất hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp hai bên và cả người tiêu dùng. Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ EU. Các sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có sự bảo hộ vào thị trường EU. Bên cạnh đó, hiệp định cũng bao hàm những điều khoản phi truyền thống như phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người lao động... Hiện nay, chuỗi cung ứng ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, mang lại nhiều cơ hội mới. Do đó, cần có cơ chế cho các bên liên quan cùng tham gia vào hiệp định này.

Ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Hiệp định này chắc chắn sẽ đơn giản hóa các thủ tục đầu tư để hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ châu Âu vào Việt Nam. Thực tế, từ 2-3 năm trước đã có những dự án đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các nước như Ba Lan, Hungarry, Bồ Đào Nha đầu tư vào Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng EVFTA và IPA có lực đẩy mạnh mẽ, để đẩy mạnh hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ EU đến Việt Nam.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10

 Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, hiện thuế suất thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm. Vì thế, ngành Dệt may kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao. Doanh nghiệp chúng tôi đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi, nhằm tận dụng các lợi thế trong hiệp định, nhất là chứng minh quy tắc xuất xứ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Mỗi doanh nghiệp cần phải đi học để nâng cao trình độ kỹ năng, sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Trên con đường hoàn thiện, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Riêng về ngành gỗ đang thiếu các cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật. Vấn đề này phải có bàn tay Nhà nước, bằng cách giao cho một vài cơ sở đào tạo đảm nhiệm, doanh nghiệp cung cấp nơi thực tập cho sinh viên, công nhân học nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có văn bản hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ cho doanh nghiệp biết và hiểu về các cam kết trong EVFTA và hỗ trợ về chi phí cho vay, tiếp cận các kênh tín dụng để doanh nghiệp có nguồn đầu tư công nghệ, đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề.

Ông Đặng Thành Nam – Đối tác phát triển Ilgamos Đức

Là một công ty công nghệ, chúng tôi sẵn sàng và tự tin khi tham gia EVFTA bởi hiện nay khi Blockchain bùng nổ nhất là khi Internet và công nghệ 4.0 ngày càng phát triển thì Blockchain sẽ là một trong những công nghệ đi đầu và là chìa khóa cho mọi sự phát triển. Theo tôi, đứng trước EVFTA mỗi doanh nghiệp nếu không chủ động tìm kiếm ưu đãi, chủ động khai mở thị trường thì vẫn cứ đì đẹt đi sau và bằng lòng với vai trò thầu phụ, gia công cho doanh nghiệp nước ngoài với lợi nhuận cực thấp và luôn trong thế bị động. Cho nên cần phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Ngoài ra để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt DNNVV cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI.

Ông Phạm Minh Quốc - Giảng viên Khoa Kinh tế Luật, trường ĐH Thương mại Hà Nội

Với EVFTA, cơ hội và thách thức đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam rất lớn. EU có các quy định nghiêm ngặt về thương mại và đầu tư, do đó doanh nghiệp cần tự giác hơn, chủ động hơn trong việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với các bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách kết nối giữa các tập đoàn kinh tế FDI, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động hợp tác để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực. Đây là cơ hội mới mà EVFTA tạo ra để Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước. Để hưởng nhiều lợi ích khi tham gia EVFTA, Việt Nam cần thực hiện những cam kết về đổi mới thể chế, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư cũng sẽ có những thay đổi theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thu Giang – Mai Linh