EVFTA - 'thỏi nam châm' hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao

00:00 12/10/2020

EVFTA được xem là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư từ EU trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và dòng vốn đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ nhằm đa dạng chuỗi cung ứng

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không phải hiệp định thương mại tự do mới mà là hiệp định thương mại tự do thứ 13 mà Việt Nam tham gia tính tới thời điểm này. EVFTA cũng không phải hiệp định thương mại thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia mà trước đó đã có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA là hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa đặc biệt ở 3 góc độ:

Thứ nhất, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực củng cố thêm mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa 2 bên.

Thứ hai là Việt Nam đã đạt được cam kết rất tốt từ phía EU với mức độ mở cửa xuất khẩu mạnh nhất của EU. Chính vì vậy, với định hướng nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam thì đây là hiệp định có ý nghĩa đặc biệt. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 trong thời điểm kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiệp định có hiệu lực thời điểm này là cú hích lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc hạn chế tác động của dịch, khôi phục kinh tế và từng bước thoát khỏi dịch bệnh.

EVFTA được xem là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư từ EU. 

Bà Thu Trang cho hay, EVFTA cũng được kỳ vọng ở 2 góc độ, từ khía cạnh kinh tế và thể chế. Trước hết ở góc độ kinh tế, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam với EU có thể tăng thêm trên 40% so với kịch bản không có Hiệp định. Nhập khẩu cũng tăng thêm khoảng 36% so với kịch bản không có Hiệp định này. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng được kỳ vọng đưa Việt Nam thành điểm đến lý tưởng cho đầu tư không chỉ là đầu tư từ EU mà cả đầu tư từ các khu vực và nền kinh tế khác.

Ở góc độ thể chế, EVFTA là hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nên được kỳ vọng giúp Việt Nam có nhiều thay đổi về mặt thể chế để không chỉ đáp ứng được theo Hiệp định mà còn đáp ứng xu thế chung của thế giới.

Tuy vậy, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Thứ nhất về thể chế, kỳ vọng từ đổi mới thể chế cao nhưng chi phí tuân thủ cũng không phải là thấp. Về mặt kinh tế, các ưu đãi EU dành cho Việt Nam như thuế quan đối với xuất khẩu mới chỉ là một phần. Để vào được thị trường EU doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua nhiều yêu cầu như về tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm…, mà EU lại nổi tiếng là thị trường rất kỹ tính trong các vấn đề này.

Đặc biệt, nói về việc EVFTA có hiệu lực trong thời điểm đang có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư để đa dạng chuỗi cung ứng, bà Thu Trang nhấn mạnh, đây là cơ hội rất tốt cho đầu tư và hứa hẹn cho nền kinh tế một triển vọng sáng sủa để kết nối với kinh tế EU. Đây cũng được coi là “thỏi nam châm” để thu hút đầu tư nói chung. Ngoài ra, những cam kết về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh trong hai hiệp định là điều kiện tốt để cho các nhà đầu tư EU yên tâm đầu tư.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng hai hiệp định trên cũng chỉ tạo ra cơ hội chứ không mang đến đầu tư cho Việt Nam. Hiệp định đó không tự động biến Việt Nam thành điểm đến của các nhà đầu tư mà nó phụ thuộc và những hành động cụ thể của Việt Nam.

Để làm được điều này theo tôi cần lập kế hoạch cụ thể cho các dự án đầu tư, kế hoạch thu hút đầu tư và các biện pháp cụ thể để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư. Xa hơn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ đối với đầu tư nước ngoài mà cả môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước”, bà Thu Trang nêu quan điểm.

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước nước ngoài đến năm 2030. Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đây là tín hiệu đáng vui đối với các FTA.

Thanh Tùng