EVFTA sẽ 'giải nguy' cho ngành dệt may

00:00 12/10/2020

Nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, chắc chắn sẽ cứu ngành dệt may thoát khỏi "cơn bĩ cực" hiện nay.

Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp trong tháng 5 tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực. Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Đây sẽ là tin rất vui cho ngành dệt may trong bối cảnh đang phải chịu thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng do dịch Covid-19.

Kéo doanh nghiệp qua cơn bĩ cực

Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới (chiếm 34%), với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân 3%/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7% thị phần. Như vậy, dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng.

nganh-det-may-1951-1587116203.jpg

EVFTA được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành dệt may (Ảnh: Tư liệu) 

Với EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương, đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia, Pakistan... sẽ không còn trong thời gian tới.

Đặc biệt, hàng may mặc được xem là hàng tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Do đó, nhu cầu của thị trường EU bị ảnh hưởng trong thời điểm dịch bùng phát có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Đây sẽ cơ hội cứu ngành dệt may Việt Nam thoát khỏi tình trạng bế tắc như hiện nay.

Tuy vậy, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi của EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam. Thực trạng ngành dệt may Việt Nam chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU, việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP May Hưng Yên cho biết, tỷ lệ hàng may mặc xuất khẩu vào châu Âu đáp ứng được quy tắc xuất từ vải trở đi là rất nhỏ. Đa phần nguyên phụ liệu của ngành này vẫn đang phải nhập từ các nước ngoài khối. Để hưởng lợi tối đa từ EVFTA, ngành dệt may phải đầu tư thêm khâu dệt, nhuộm, hoàn tất để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài Hiệp định.

Ông Dương lo ngại: "Nếu Việt Nam không đặt ra một chiến lược và cơ chế tốt thì khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ khó tiếp cận thị trường EU".

Lo ngại quy tắc xuất xứ 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị Chính phủ nên sớm để quy hoạch phát triển ngành dệt may đi vào thực tế, trong đó đặc biệt cho xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt - nhuộm - may - hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa tư đãi từ EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cùng với đó, Chính phủ cần đầu tư các cảng hàng không, đường thủy, hệ thống kho vận, vận tải thuận lợi sẽ thu hút được các nhà đầu tư cho phần cung thiếu hụt nguyên phụ liệu dệt may. Các tỉnh cũng nên mở cửa chấp nhận đầu tư của các nhà đầu tư khu công nghiệp dệt may, bởi nếu cứ lo ngại, không chấp nhận khu công nghiệp dệt may trên địa bàn mình như hiện nay, Việt Nam sẽ khó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. 

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bản thân doanh nghiệp dệt may Việt Nam tự đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải, từ sợi trở đi là bất khả thi, nhưng việc giảm thuế vừa có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu vừa là lực hút đối với đầu tư nước ngoài.

Ngành dệt may có thể kỳ vọng là khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, xu hướng chuyển giao công nghệ, đầu tư chuỗi nguyên phụ liệu sẽ gia tăng. "Chúng ta có thể giải bài toán này bằng cách bắt tay hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, còn vấn đề nữa là giả dụ Việt Nam sản xuất được vải rồi nhưng chắc chắn vải Việt Nam đắt hơn Trung Quốc khoảng 20%. Ông Hiếu lý giải chi phí giá thành một mét vải sản xuất ở Việt Nam đắt hơn ở Trung Quốc do bên cạnh yếu tố quy mô, sản xuất càng nhiều giá càng giảm thì chi phí vốn vay ở Việt Nam cao hơn: Chi phí vốn vay đầu tư sản xuất trung bình trên thế giới là 2,4% (vay USD), trong khi ở Việt Nam vốn vay quy ra Việt Nam đồng lên tới 11%. Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong đầu tư hạ tầng so với đầu tư sản xuất xuất khẩu cũng dẫn tới việc giảm năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp dệt may, để thay đổi thực trạng này và cơ cấu ngành dệt may Việt Nam cân đối hơn giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng hoàn thiện, cần hỗ trợ từ Chính phủ trong việc quy hoạch lại ngành.

Lê Thúy