EVFTA sẽ chắp cánh cho mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam

00:00 12/10/2020

Theo báo chí Đức, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến phổ biến của các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất ở châu Á. Điều này là hoàn toàn đúng khi mà chúng ta đang dần được đánh giá là điểm đến đầu tư “an toàn” trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Đức.

EVFTA sẽ mở ra mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam

Việt Nam có tầm quan trọng trong việc phát triển các chuỗi cung ứng thay thế

Báo Handelsblatt của Đức mới đây đăng tải thông tin nhà sản xuất băng dính  của Đức - Tesa đã tiến hành xây dựng một nhà máy trị giá 55 triệu EUR (65 triệu USD) ở miền Bắc Việt Nam trong nỗ lực mở rộng sản xuất từ ​​năm 2023. Trong một bài báo đăng vào ngày 13 tháng 8, tờ báo này cũng cho biết Virut corona đã khiến cho các công ty này phải đối mặt với hàng loạt rủi ro khi các chuỗi cung ứng chỉ phụ thuộc vào một vài quốc gia cụ thể. Do đó, Tesa đã không ngần ngại khi chọn Việt Nam.

Tesa không cô độc trong hành trình chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Trong vài năm qua, đất nước hình chữ “S” đã trở thành điểm đến phổ biến dành cho các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất tại châu Á. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khuếch đại xu hướng này: Sản xuất gián đoạn sau khi các lệnh phong tỏa đã khiến các nhà quản lý chuỗi cung ứng chú ý đến rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một quốc gia. Bước leo thang căng thẳng Mỹ-Trung cũng thúc đẩy xu hướng này. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam được cho là có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự chuyển dịch này. Bài báo cũng trích dẫn phân tích của Công ty tư vấn BCG cho rằng Đông Nam Á đang hướng tới là một trung tâm giao thương của toàn cầu. Kim ngạch thương mại giữa Đông Nam Á và châu Âu cũng như châu Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng hơn 20 tỷ USD vào cuối năm 2023. Trong khi đó, chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á  dự kiến ​​sẽ hơn 40 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến phổ biến của các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất ở châu Á

Việt Nam, với dân số khoảng 100 triệu người, được cho là có triển vọng đặc biệt tốt trong việc tận dụng lợi thế của sự hội nhập toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo rằng Việt Nam có kỳ vọng tăng trưởng kinh tế gần 3% trong năm nay. Ngoài ra báo Handelsblatt cũng cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam ( EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 chính là một “điểm cộng” khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nước Đức nói riêng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Marko Walde – Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) cho rằng: “Các công ty Đức đã ‘toàn tâm toàn ý’ với các hoạt động tại Trung Quốc của họ trong suốt 30 năm qua. Họ đầu tư mạnh vào các hoạt động sản xuất không chỉ phục vụ các thị trường hiện có trên toàn thế giới mà còn phục vụ lượng khách hàng Trung Quốc ngày càng tăng. Thế nhưng bối cảnh hiện nay khiến cho các công ty Đức có xu hướng đánh giá lại hoạt động của họ tại Trung Quốc. Điều này xuất phát từ việc chi phí lao động tăng, môi trường đầu tư thay đổi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19. Để giảm thiểu những thách thức này và rủi ro phát sinh từ những biến động của thị trường, các công ty Đức đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đầu tư sản xuất và hoạt động tìm nguồn cung ứng. Họ thường tìm ở các thị trường Đông Nam Á và với Việt Nam thì được coi là điểm đến hàng đầu. Điều quan trọng cần lưu ý là những ‘lựa chọn thay thế’ cho đầu tư và tìm nguồn cung ứng này là ‘sự bổ sung’ cho các hoạt động hiện có chứ không phải ‘chuyển dịch’ từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Ông Marko Walde - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam

Kể từ năm 2016, đã có hơn 120 công ty Đức đến gặp chúng tôi để tìm hiểu, đánh giá việc thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam, trong đó có 21 doanh nghiệp đã chính thức đầu tư vào đây trong giai đoạn này. Và tất cả các yêu cầu đến tại văn phòng của chúng tôi đều có liên quan đến thị trường Trung Quốc. Thế nhưng gần đây, một số các doanh nghiệp Đức đang nhận thấy những rủi ro từ việc chỉ tập trung duy nhất và một quốc gia. Điều này phần lớn là do những tác động  gần đây như tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19. Vì thế,nếu  các công ty này bổ sung thêm năng lực sản xuất trong khu vực, họ thường sẽ triển khai bên ngoài Trung Quốc để đa dạng vốn hóa nắm giữ và giảm thiểu rủi ro trong nước - ông Marko Walde chia sẻ thêm.

Báo Đức cho rằng chính sự cởi mở đối với toàn cầu hóa của Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn tìm đến. Nhà sản xuất iPhone - Apple đã chuyển khoảng 1/3 sản lượng tai nghe không dây sang Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một phần sản xuất phần cứng sang Việt Nam. Đối với tập đoàn Hàn Quốc Samsung, Việt Nam đã là điểm sản xuất quan trọng trong nhiều năm khi trên một nửa số điện thoại của Samsung là được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam.

Sự kỳ vọng từ doanh nghiệp Đức

Về tình hình giao thương giữa Việt Nam và Đức trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Đức trong năm 2019 đạt 3,69 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là nhóm chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất từ thị trường này, với 47,11% đạt 1,74 tỷ USD giảm 9,54% so với cùng kỳ. Kế tiếp là 4 nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD: Dược phẩm đạt 325,2 triệu USD; sản phẩm hóa chất đạt 200,53 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 155,19 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 134,9 triệu USD. Có rất nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch nhập khẩu hàng chục triệu USD, trong đó nhóm ô tô nguyên chiếc các loại có mức tăng trưởng mạnh nhất 100,16% đạt 90,64 triệu USD; nhóm sản phẩm từ kim loại thường khác có kim ngạch tăng 73,66% đạt 15,97 triệu USD; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 62,32% đạt 46,85 triệu USD.

Ông Marko Walde – Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam  chia sẻ: “Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Việc xóa bỏ thuế quan song phương và thuế xuất khẩu, cùng với việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan ảnh hưởng đến trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại song phương đáng kể và tạo ra những cơ hội mới để tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, từ dệt may đến các sản phẩm nông nghiệp. EVFTA sẽ xóa bỏ hơn 99% thuế quan và Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời hạn 10 năm tới. Ngoài ra, EU sẽ xóa bỏ 71% dòng thuế nhập khẩu khi có hiệu lực và sẽ xóa bỏ tới 99% sau 7 năm; Hiệp định cũng chỉ ra rằng sẽ có các điều khoản cụ thể nhằm giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của EU”.

Cũng theo ông Marko Walde, Hiệp định EVFTA cũng chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam để tiếp cận thị trường trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho các công ty Đức tại Việt Nam. Điều này đặc biệt đúng trong các ngành ô tô, năng lượng xanh, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo nghề. Về kỳ vọng dài hạn, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư Đức và châu Âu sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt tin tưởng rằng sẽ có nhiều dòng vốn FDI cho các dự án có giá trị cao sẽ vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là từ Đức. - Ông Marko Walde nói thêm.

Có thể thấy rằng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài hiện nay vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù phải đương đầu với những hậu quả tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn không mất đi sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có tổng cộng 18,8 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chỉ giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với cương vị là Trưởng Đại diện AHK, ông Marko Walde  cho rằng ,môi trường kinh doanh hiện nay cũng như những kết quả trong công tác phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam cùng các chính sách đảm bảo an sinh xã hội,… cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và mạnh mẽ để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Các biện pháp này  cũng cần được thực hiện càng nhanh càng tốt để ngăn chặn lại những tác động ảnh hưởng đến kinh tế, nhằm đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng một cách nhanh nhất. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đánh giá Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư. Việt Nam đã và đang triển khai tốt một số hoạt động và phương pháp hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu kép: vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và vừa ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh trong điều kiện “bình thường mới”.

Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Các công ty Đức kỳ vọng EVFTA và  Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) sẽ cải thiện chính sách kinh tế ở Việt Nam về lâu dài. Họ có thể được bảo hộ các khoản đầu tư, từ đó tạo điều kiện thương mại và tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Trong trung hạn, sẽ có nhiều dòng vốn FDI cho các dự án có giá trị lớn vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Đức sẽ mang công nghệ nổi tiếng về quản lý, đào tạo của họ đến Việt Nam, điều này mang lại giá trị sản xuất gia tăng nhiều hơn, ít lãng phí vật chất và tài nguyên hơn.

Bảo Trinh