EU đang điều tra gian lận xuất xứ đối với nhôm nhập khẩu từ Việt Nam

06:15 05/04/2021

Cục Xuất nhập khẩu và Hiệp hội cảnh báo các doanh nghiệp lưu ý khi hợp tác với các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu nhôm định hình sang EU bởi các thủ đoạn gian lận xuất xứ đang ngày càng tinh vi hơn...

Sau khi kết quả điều tra cho thấy nhôm Trung Quốc bán cho EU có giá thấp một cách không công bằng, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công bố áp thuế đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc hôm 30/3/2021. 

Sự kiện nhôm định hình của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá ở EU có thể sẽ khiến các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sang những thị trường khác, trong đó có Việt Nam
Sự kiện nhôm định hình của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá ở EU có thể sẽ khiến các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sang những thị trường khác, trong đó có Việt Nam. (Ảnh: minh họa)

Theo đó, Ủy ban châu Âu – cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 quốc gia EU, đặt ra mức thuế chống bán phá giá trong khoảng từ 21,2% đến 31,2% đối với các nhà sản xuất nhôm định hình của Trung Quốc (nhôm định hình dạng thanh, dạng que hoặc dạng ống). Mức thuế này thấp hơn so với mức thuế tạm thời là 30,4% đến 48,0% áp dụng trong quá trình điều tra.

Được biết, EU đã mở cuộc điều tra từ tháng 2/2020 đối với những sản phẩm nhôm được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực vận tải, xây dựng và điện, sau khi nhận được đơn khiếu nại của European Aluminium về việc nhôm Trung Quốc cạnh tranh không công bằng trên thị trường EU. Các thành viên của European Aluminium bao gồm Norsk Hydro, Rio Tinto  và Alcoa.

Cụ thể, sản phẩm nhôm định hình của các Công ty Guangdong Haomei New Materials Co Ltd VÀ Guangdong King Metal Light Alloy Technology Co Ltd sẽ phải chịu mức thuế chống phá giá 21,2%, trong khi của Press Metal International Ltd chịu thuế 25%.

Những công ty khác mặc dù có sự hợp tác trong quá trình điều tra nhưng vẫn phải chịu mức thuế 22,1%, và nguyên liệu từ các công ty khác nữa sẽ chịu thuế 32,1%.

Sự kiện nhôm định hình của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá ở EU có thể sẽ khiến các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sang những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng 11/2020, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã quyết định rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc (mã AR01.AD05).

Theo đó, các công ty được rà soát mức thuế chống bán phá giá trong vụ việc AR01.AD05 gồm: Công ty Bazhou Jinwoshengdi Aluminum Products Co., Ltd; Công ty Fujian Zhangzhou Antai Aluminium Co., Ltd và Công ty Guangdong Weiye Aluminum Factory Group Co., Ltd.

Ngoài ra còn có các nhóm Công ty JMA (bao gồm Công ty Guangdong JMA Aluminium Profile Factory (Group) Co., Ltd và các công ty liên kết); nhóm Công ty Xingfa (bao gồm Công ty Guangdong Xingfa Aluminium Co., Ltd và các công ty liên kết).

Trước đó, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc (vụ việc AD05). Đến ngày 29/7/2020, Bộ Công Thương phát thông báo nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất của vụ việc.

Được biết, lượng nhôm xuất khẩu của cả nước chỉ dưới 10% sản lượng và tập trung ở một số doanh nghiệp FDI.

Trước thực tế ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nghiêm ngặt đối với nhôm nhập khẩu, tại buổi làm việc giữa Hội nhôm thanh định hình Việt Nam với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương hồi tháng 1/2021 về tình hình xuất nhập khẩu của ngành nhôm năm qua, Cục Xuất nhập khẩu và Hiệp hội cảnh báo các doanh nghiệp cần lưu ý khi hợp tác với các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu nhôm định hình sang EU và các nước khác bởi các thủ đoạn để gian lận xuất xứ đang ngày càng tinh vi hơn.

Tại thị trường Mỹ, hiện nay Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức rất cao đối với một số sản phẩm nhôm nhưng đa số các sản phẩm nhôm của Việt Nam xuất sang thị trường này không thuộc mã bị áp thuế cao nên vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu trong năm qua. Mặc dù vậy, nếu nhôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến hoặc có biểu hiện bất thường khác, khi đó không loại trừ khả năng Mỹ sẽ xem xét tới các biện pháp điều tra chống bán phá giá.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/3 đã ban hành các mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với nhôm tấm hợp kim thông thường từ 16 trong số 18 quốc gia và vùng lãnh thổ bị điều tra.

Trong số các nước trên, Đức là quốc gia có mức chống bán phá giá cao nhất, từ 49,4% đến 242,8%, và là nước xuất khẩu nhôm tấm lớn nhất sang Mỹ, với trị giá 286,6 triệu USD trong năm 2019. Bahrain, đứng thứ hai với lượng nhôm tấm trị giá 241,2 triệu USD xuất khẩu sang Mỹ, nhận mức thuế chống bán phá giá 4,83% và mức thuế chống trợ cấp lên tới 6,44%. Tương tự, Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế 5,04% và Hy Lạp sẽ bị áp 2,72% đối với nhôm nhập khẩu.

Ngoài ra, một loạt quốc gia khác và vùng lãnh thổ, như Brazil, Croatia, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Oman, Romania, Serbia, Slovenia, Nam Phi, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ... cũng chịu ảnh hưởng từ mức thuế mới đối với nhôm tấm nhập khẩu vào Mỹ. Trung Quốc không nằm trong danh sách áp thuế mới đối với nhôm tấm nhập khẩu bởi các mức thuế cao của Mỹ đã được áp lên các sản phẩm nhôm của Trung Quốc.

Ngành nhôm Việt Nam bước vào năm 2021 vẫn còn rất nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy, khan hiếm nhôm nguyên liệu nhập khẩu… Đặc biệt, chi phí xuất khẩu tăng lên rất nhiều khiến cho nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đã ký kết trước đó bị đội chi phí lên nhiều lần, doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ trầm trọng.

Giá nhôm thế giới gần đây tăng cao do chính sách làm sạch môi trường ở Nội Mông, nơi sản xuất nhôm lớn của Trung Quốc.

Giá nhôm trên sàn Thượng Hải đầu tháng 3/2021 đã đạt mức cao nhất 9,5 năm, là 18.000 CNY (2.740 USD)/tấn, sau khi thành phố Baotou (Nội Mông) ra lệnh một số cơ sở sản xuất công nghiệp và nhà máy điện phải đóng cửa vì vi phạm quy định về môi trường. Công ty tư vấn CRU dự đoán sản lượng nhôm của Trung Quốc có thể giảm 100.000 tấn/năm do động thái này của Nội Mông. Chủ tịch Công ty Chalco dự báo giá nhôm sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2021.

Theo Hội nhôm thanh định hình Việt Nam, giá nhôm trên thị trường thế giới tăng mạnh do nhu cầu bùng nổ, chi phí vận chuyển tăng trong khi nguồn cung nhôm phế liệu và nhôm thứ cấp bị thắt chặt. Do nhôm được sử dụng rộng rãi trong ngành vận tải, đóng gói hàng hóa và xây dựng, kinh tế thế giới hồi phục đẩy giá kim loại cơ bản này tăng mạnh. Xu hướng này dự báo sẽ còn tiếp diễn, theo đó các nhà cung cấp bauxite, trong đó có Việt Nam được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Trung Quốc là nơi cung cấp nhôm lớn nhất toàn cầu với hơn 60% sản lượng. Chính phủ Trung Quốc dự định hạn chế mở rộng công suất sản xuất của ngành nhôm theo chính sách chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở Nội Mông (nơi sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc). Điều này càng khiến cho nguồn cung nhôm khan hiếm.

Ngân Phương