Dựng lại chốt chặn với vốn ngoại

00:00 12/10/2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, trong đó có danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐT nước ngoài. Nếu siết quá chặt danh mục này, có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, nhưng nếu mở rộng ra thì sẽ là bỏ lỏng chốt chặn quan trọng để chọn lọc dòng vốn ngoại chất lượng cao.

Cần có công cụ sàng lọc để hạn chế đầu tư một số quốc gia không mong muốn

Mở cửa thấp hay cao?

Ông Hoàng Mạnh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài là nội dung mới của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và chưa được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014 (trừ một số nguyên tắc về công bố điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài và thực hiện quy định về điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài tại Điều 10 và Điều 13 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).

Do vậy, nghị định này sẽ quy định/công bố về Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài, bao gồm ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; các nguyên tắc áp dụng ngành, nghề và điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài. 

Dự thảo đưa ra 11 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài, như: kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh; các dịch vụ hành chính tư pháp; dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… 

Về danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐT nước ngoài, hiện nay Ban soạn thảo đang đề xuất gần 40 ngành nghề, đồng thời vẫn đang để ngỏ nhằm lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong đó có một số ngành nghề như phát thanh và truyền hình; bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán, tiền tệ và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ viễn thông; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm; vận tải hàng hóa và hành khách; nuôi trồng thủy sản; lâm nghiệp và săn bắn; kinh doanh đặt cược, casino… 

Hiện nay, Bộ KH&ĐT cũng đang đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về 2 phương án. Đối với phương án mở cửa thị trường cao, ngoài các ngành đã được liệt kê cụ thể trong danh mục, chỉ áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường với các ngành mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường trong WTO nếu đồng thời có quy định của pháp luật trong nước hạn chế tiếp cận thị trường của NĐT nước ngoài đối với ngành đó. Đối với ngành mà Việt Nam chưa cam kết theo WTO và không được liệt kê cụ thể ở danh mục và pháp luật trong nước không quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài thì NĐT nước ngoài được tiếp cận thị trường như NĐT trong nước.

Với phương án thấp, những ngành mà Việt Nam chưa cam kết trong WTO, đồng thời chưa được liệt kê cụ thể trong danh mục thì đều là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với NĐT nước ngoài, trừ những ngành được lựa chọn để cho phép NĐT nước ngoài tiếp cận như NĐT trong nước, chẳng hạn dịch vụ cắt tóc và các dịch vụ làm đẹp khác, dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác, dịch vụ lau dọn tòa nhà… 

Cần cách tiếp cận công phu hơn

Ông Trần Hào Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI thế hệ mới đã đề ra chủ trương xây dựng danh mục các ngành nghề chưa được tiếp cận và tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐT nước ngoài theo hướng chọn bỏ. Cách tiếp cận này đã tháo gỡ các vướng mắc từ trước tới nay khi xây dựng danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường của NĐT nước ngoài.

Trên cơ sở đó, ban soạn thảo đã sơ bộ xây dựng danh mục này và thời gian tới sẽ tổ chức lấy ý kiến tất cả các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng… Qua thời gian lấy ý kiến sơ bộ, ông Hùng cho hay trước mắt mới có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho ý kiến về việc thắt chặt các điều kiện an ninh quốc phòng với các dự án đầu tư nước ngoài. Bởi trên thực tế, thời gian qua có hiện tượng NĐT nước ngoài mượn danh để đầu tư núp bóng, đầu tư chui, tham gia dự án ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Trước đây, Luật Đất đai và Nghị định 118 có quy định NĐT nước ngoài đầu tư vào địa bàn biên giới, hải đảo… phải xin ý kiến Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, nhưng các quy định này rất chung chung. Qua triển khai thực tế, ban soạn thảo cho rằng cần quy định cụ thể việc lấy ý kiến được thực hiện như thế nào, địa bàn nào, lấy ý kiến về những tiêu chí gì… Những vấn đề này sẽ được bổ sung thêm trong Nghị định. 

Cũng theo ban soạn thảo, khi đề xuất xây dựng danh mục này, các bộ, ngành cần lưu ý rằng đây là danh mục điều kiện tiếp cận thị trường chứ không phải điều kiện đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài được xác định trên các yếu tố: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của NĐT; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư… 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, đây là vấn đề lớn và cần có cách tiếp cận công phu hơn. Ông Tuấn phân tích, cách tiếp cận chọn bỏ khi xây dựng danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường với NĐT nước ngoài là rất tốt, song sẽ tạo ra thay đổi cực kỳ lớn. Theo đó, những ngành không thuộc danh mục thì đương nhiên sẽ mở cửa cho NĐT nước ngoài vào. Như vậy trên thực tế sẽ diễn ra tình trạng có nhiều NĐT nước ngoài Việt Nam mong muốn thu hút thì có thể vào dễ dàng, nhưng với những NĐT mà trong nước không mong muốn, thì sẽ không còn căn cứ để từ chối hay trì hoãn. 

“Với cách tiếp cận này tôi nghĩ phải bàn kỹ với đoàn đàm phán của Chính phủ, vì suy cho cùng ngành mình chưa cam kết là vũ khí, công cụ để mình mặc cả sau này họ phải mở cửa thị trường cho mình thì ngược lại mình mới cho họ vào đây, hoặc là công cụ để về mặt giải pháp kỹ thuật có thể hạn chế đầu tư một số nước mình không mong muốn”, ông Tuấn khuyến nghị. 

Cũng theo ông Tuấn, liên quan đến điều kiện an ninh quốc phòng, xưa nay cách tiếp cận của cơ quan quản lý thường liên quan đến địa bàn đầu tư, trong khi trên thực tế, một số ngành nghề hiện nay nắm dữ liệu lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nếu mở ra cho NĐT nước ngoài hoặc thậm chí DN tư nhân trong nước khai thác sử dụng, thì sẽ là nguy cơ lớn mất an toàn, an ninh. Vì vậy ông Tuấn cho rằng cần có cách tiếp cận công phu hơn về điều kiện an ninh quốc phòng, thay vì chỉ thể hiện ở địa bàn đầu tư như hiện nay.

Ngọc Khanh