Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được xây sẽ phá thể độc đạo của quốc lộ 22

07:06 20/10/2021

Ngày 19-10, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc. Kỳ họp đã bàn và thông qua nhiều quyết sách quan trọng để phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó có dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được chờ đợi nhiều năm qua nhằm khơi thông thế độc đạo của quốc lộ 22, rút ngắn hành trình đi lại, giảm chi phí logistics... Cao tốc này hoàn thành sẽ kết nối với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Để dự án triển khai nhanh, theo ông Hà Ngọc Trường, cần rút kinh nghiệm về các tồn tại ở một số tuyến cao tốc đang triển khai. Theo đó, TP cần phải tiến hành hoàn thiện quy trình, kế hoạch thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước để triển khai dự án. Khi hoàn thiện được quy trình, không chỉ là thực hiện dự án này mà còn làm cơ sở để thực hiện các dự án quan trọng khác như vành đai 3, 4 và các tuyến đường sắt... "Vòng đời của một dự án PPP rất dài có thể kéo dài hai ba mươi năm. Quy trình càng hoàn thiện, chặt chẽ càng làm yên tâm các nhà đầu tư. Qua đó, khi triển khai đấu thầu, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia" - ông Trường nói.

Trong khi đó, đề cập các bước triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay theo Luật PPP, đối với dự án liên quan đến 2 địa phương thì HĐND 2 tỉnh thành thống nhất nghị quyết giao cho UBND một trong hai địa phương làm cơ quan có thẩm quyền. Đối với dự án này, hiện tỉnh Tây Ninh đã có nghị quyết thống nhất giao TP làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, HĐND vừa có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án. 

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được xây sẽ phá thể độc đạo của quốc lộ 22
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được xây sẽ phá thể độc đạo của quốc lộ 22. (Ảnh: PV)

Bước tiếp theo, UBND TP căn cứ nghị quyết của HĐND 2 địa phương để phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh trình Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất giao UBND TP làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Khi có quyết định của bộ trưởng, TP.HCM sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó mới lập dự án đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khởi công theo quy định.

Đại diện Sở GTVT TP cũng thông tin thêm, trước đó, UBND TP và tỉnh Tây Ninh đã ký kế hoạch thống nhất từng bước, từng mốc tiến độ để 2 địa phương cùng nỗ lực hoàn thiện các thủ tục. "Theo kế hoạch tổng thể đã đề ra, dự án dự kiến sẽ trình Thủ tướng cuối năm 2021" - đại diện Sở GTVT cho biết.

Về quy mô đầu tư, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch với chiều dài toàn tuyến 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km với 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh dài 26,3km có 6 làn xe. Điểm đầu dự án từ vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện ở giai đoạn từ 2021 - 2026 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng, trong đó xây lắp 5.417 tỉ đồng, chi phí bồi thường 7.433 tỉ đồng... Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM và Tây Ninh.

Dự án cũng xây dựng một số nút giao khác mức liên thông nhằm đảm bảo kết nối giữa các đường ngang, các khu đô thị dọc tuyến gồm 6 vị trí như đường vành đai 3, tỉnh lộ 8, đường vành đai 4, đường tỉnh 787B, đường tỉnh 782, quốc lộ 22B... Ở các đoạn qua khu dân cư hiện hữu sẽ bố trí đường gom dân sinh một bên hoặc hai bên với quy mộ mặt cắt ngang 5m để tạo điều kiện đi lại cho người dân.

ĐT