Dự án Cảng Xuân Thiện Hòa Bình: Gỡ rối cho doanh nghiệp - Ngân sách tỉnh có thêm nghìn tỷ

00:00 12/10/2020

Cảng Xuân Thiện (huyện Lạc Thủy), một hạng mục thuộc Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện tại Hòa Bình hiện nay đang chậm tiến độ do gặp khó khăn về thủ tục đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của người dân rất phức tạp; thực trạng giấy tờ chồng chéo, không có hoặc thất lạc... Do đó, việc gỡ rối cho doanh nghiệp về thủ tục này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, đồng thời cũng sẽ giúp cho ngân sách tỉnh Hòa Bình sớm có thêm hơn 1000 tỷ đồng/năm và giải quyết được công ăn việc làm lâu dài cho hàng trăm lao động…

Khu vực triển khai Dự án hàng năm chỉ cấy được một vụ lúa còn đất đồi thì chủ yếu chỉ trồng keo

Là một trong những dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh Hòa Bình (đã được Bộ Xây dựng bổ sung vào Quy hoạch phát triển vôi), Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện cùng Cảng Xuân Thiện được Công ty Xuân Thiện Hòa Bình đầu tư xây dựng (tại xã Yên Bồng huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) được sự chỉ đạo trực tiếp từ Lãnh đạo Tỉnh ủy, được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và các Sở - ngành thẩm định các thủ tục theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Theo đó, Dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2022 (theo 2 giai đoạn) có tổng công suất 2,16 triệu tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, đến nay Dự án khởi động đã được gần 03 năm nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn chuẩn bị mặt bằng cho việc đầu tư xây dựng vì những vướng mắc về thủ tục giấy tờ cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) cho người dân. Điều đó, đã làm cho việc hoàn thiện các thủ tục thu hồi đất, tiếp nhận mặt bằng của Công ty Xuân Thiện Hòa Bình bị chậm và kéo dài.

Phục hồi “sổ đỏ” cho dân để giải phóng mặt bằng…

Chia sẻ về những khó khắn do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình cho biết: Khi về đầu tư xây dựng Dự án tại đây, mặc dù chúng tôi được nhân dân cùng chính quyền địa phương hết sức ủng hộ, dự kiến Dự án sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động đúng tiến độ đề ra, nhưng quả thực công tác giải phóng mặt bằng đã phát sinh một số thủ tục làm cho Dự án bị chậm lại… Cụ thể: Đất đai ở đây đa phần được giao cho bà con từ những năm cuối 1980 đầu 1990, một phần diện tích nhỏ thì họ tự khai hoang để trồng keo và một số cây lấy gỗ khác. Đến khi triển công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì phát sinh vấn đề: khá nhiều hộ dân bị thất lạc hoặc bị cũ rách giấy tờ về nguồn gốc; có trường hợp 5-10 hộ đứng chung trong một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)…, có người thì đang làm thủ tục thừa kế cho con cháu chưa xong, có người mất hộ khẩu…do đó công tác sang tên “sổ đỏ” cho Xuân Thiện chưa thực hiện ngay được. Với tinh thần hợp tác để thực hiện đúng quy định của Nhà nước, chúng tôi phải thay mặt cho người dân, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để cấp lại sổ đỏ cho các hộ dân để đủ giấy tờ thực hiện các thủ tục đất đai. Thật sự đây là việc rất phức tạp và mất nhiều thời gian, chúng tôi phải chủ động đến từng nhà, gặp từng người (kể cả lúc họ đang đi làm trên đồi, ngoài đồng) rồi đưa họ đến các cơ quan chức năng để làm lại cấc giấy tờ này… Ngoài ra, cũng do người dân chưa nắm hết thủ tục và nhiều người cao tuổi không đi đâu ra khỏi địa phương nên mất nhiều thời gian để giải thích trước khi thực hiện…

Con đường dân sinh kết hợp phục vụ khảo sát xây dựng Dự án chạy thẳng từ khu vực chuẩn bị xây dựng Cảng Xuân Thiện xuyên qua vùng đồng chiêm trũng đến Nhà máy dài hơn 3km

Trong thời gian chờ các thủ tục, Xuân Thiện đã chi trả gần 100% tiền đền bù theo quy định của Nhà nước và các khoản hỗ trợ khác ngoài quy định cho các hộ gia đình có đất nằm trong khu vực mặt bằng xây dựng Dự án; những hộ gia đình tuy không hoặc chưa đủ giấy tờ nhưng có cam kết của chính quyền xã, huyện thì chủ đầu tư Dự án vẫn trả đủ tiền theo quy định. Qua các cuộc họp dân, bà con đã rất vui vẻ ứng trước mặt bằng để chủ đầu tư triển khai công tác chuẩn bị.

Cũng vì lẽ đó, nên hiện nay nhà đầu tư chỉ triển khai công tác chuẩn bị mặt bằng tối thiểu, chưa được triển khai thi công trình chính; trong đó có hạng mục bến cảng tạm để tập kết nguyên vật liệu, chờ đủ thủ tục sẽ thi công cảng chính. Tôn chỉ của Lãnh đạo Công ty là phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước. Điều đó sẽ đảm bảo được sự ổn định, tính chất lâu dài của một dự án và ngoài những lợi ích về mặt kinh tế thì Dự án này sẽ thu hút rất nhiều lao động tại xã Yên Bồng, thậm chí khi Nhà máy đi vào hoạt động 100 % công suất thiết kế thì sức hút về nhân lực và lao động sẽ mở rộng đến các vùng lân cận.

Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện Cảng Xuân Thiện ngoài phục vụ cho vận chuyển hàng hóa của nhà máy còn mở ra cơ hội giao thương hàng hóa bằng đường thủy cho toàn khu vực với chi phí thấp; góp phần giảm tải giao đường bộ cho các tuyến đường hiện tại chưa được nâng cấp trong khu vực, góp phần bảo vệ môi trường từ bụi và khí thải do vận tại bộ gây ra.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Huy Hoàng- Tổng Giám đốc Công ty tại buổi làm việc với Sở Giao thông và Vận tải Hòa Bình. Dự án nếu chậm đi vào hoạt động ngày nào thì doanh nghiệp sẽ chậm mất cơ hội sản xuất, kinh doanh ngày đó, đặc biệt Ngân sách tỉnh Hòa Bình thất thu trung bình hàng năm khoảng hơn 1000 tỷ đồng… Có thể tính một cách tương đối là nếu Dự án này nhanh được một ngày thì tỉnh Hòa Bình có thêm trường mẫu giáo, ba ngày có được trường tiểu học nhanh một tuần có được trường một cấp 3 và tỉnh cũng rất kỳ vọng về việc thu ngân sách từ Dự án này.

Tiếng nói của các bên liên quan

Ông Quách Minh Thiêm - Trưởng thôn Sóc Bai xã Yên Bồng

Chia sẻ về Dự án này, ông Quách Minh Thiêm - Trưởng thôn Sóc Bai xã Yên Bồng (Lạc Thủy, Hòa Bình) cho biết: Từ khi Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện cùng Cảng Xuân Thiện được khảo sát xây dựng tại thôn Sóc Bai đến nay, nhân dân địa phương chúng tôi rất ủng hộ việc này vì sẽ giúp địa phương phát triển. Cho đến nay, người dân địa phương chưa có bất cứ một tiếng nói phản đối nào về Dự án này. Về  mặt thu hồi đất và giải phóng mặt bằng hiện nay gần như đã xong (tuy lúc đầu cũng có một vài e ngại về Nhà máy có vấn đề gì về môi trường không? nhưng đến giờ bà con yên tâm) vì qua những lần họp lấy ý kiến người dân tại hội trường UBND xã, bà con nhân dân đã được nghe các chuyên gia lập Báo cáo ĐTM cho dự án phân tích: Đây là nhà máy bột nhẹ được đầu tư xây dựng mới 100% với công nghệ đồng bộ tiên tiến, hiện đại nhất từ các nước G7, đặc biệt dự án tận thu triệt để khí CO­­­­­2 để sản xuất bột nhẹ. Nên bà con chúng tôi rất tạo điều kiện cho giải phóng mặt bằng và cũng đã nhận gần hết tiền đền bù, hỗ trợ từ Dự án. Đất đai ở đây chủ yếu là đất trồng lúa một vụ (chiêm) và đất rừng sản xuất (chủ yếu trồng keo), trước mắt việc chuẩn bị mặt bằng và xây dựng nhà máy tại địa phương cũng giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. 

Bà Bùi Thị Điền một người dân thôn Sóc Bai xã Yên Bồng

Bà Bùi Thị Điền một người dân thôn Sóc Bai xã Yên Bồng chia sẻ: Bà con chúng tôi đều ủng hộ Nhà máy, nên đất bà con chúng tôi cũng đã giao và tạm thời nhận tiền đền bù hỗ trợ của Dự án. Người dân chúng tôi cũng chỉ mong sao việc đền bù cho bà con làm sao cho hợp lý, không thiệt thòi, còn chúng tôi chấp hành mọi chủ trương của Nhà nước.

Chị Đỗ Thị Quỳnh Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Bồng, Lạc Thủy cũng ghi nhận: Khi Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện cùng Cảng Xuân Thiện được triển khai xây dựng, Qua bốn lần lấy ý kiến của bà con nhân dân về Dự án, lúc đầu có một số người do chưa hiểu hết về Dự án nên có một vài ý kiến e ngại nhưng sau đó mọi người đều hiểu ra ý nghĩa của Dự án này và đều đồng thuận, ủng hộ. Mặc dù hiện nay Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng để xây dựng Nhà máy và cảng Xuân Thiện, nhưng Dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động. Hơn nữa, trước đây thì việc trồng trọt tại đây rất khó khăn thu nhập rất thấp, vì lúa chỉ cấy được một vụ, đồi thì chủ yếu chỉ trồng keo. Lao động địa phương thì thường phải đi làm ăn xa, nhưng nay cũng đã có một phần lao động được tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương với mức thu nhập tương đối khá. Chúng tôi cũng mong muốn, bà con đã tạo điều kiện bàn giao mặt bằng cho Dự án chuẩn bị xây dựng thì cũng mong Dự án đền bù hỗ trợ cho bà con hợp lý và cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục giấy tờ đất đai cho bà con yên tâm.

Chị Đỗ Thị Quỳnh Hương - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Bồng

Trở lại những vướng mắc và phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng cho việc xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện cùng Cảng Xuân Thiện. Trao đổi và chia sẻ về vấn đề này, đại điện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết: Dự án được triển khai tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất tại Văn bản Số: 1607/STNMT - QLĐĐ ngày 04/10/2017 (trong đó có hạng mục đầu tư xây dựng Cảng Xuân Thiện). Cảng Xuân Thiện Lạc Thủy cũng nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 31/5/2017).

Bến thủy nội địa (tạm thời) trong khu vực quy hoạch xây dựng Cảng Xuân Thiện để vận chuyển thiết bị máy móc, nguyên vật liệu xây dựng Nhà máy sản xuất vôi - bột nhẹ Xuân Thiện và phục vụ xây dựng cảng chính

Ngày 28/11/2018, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Văn bản Số: 2666/SGTVT-QLVT,PT&NL về việc chấp thuận chủ trương xây dựng Bến thủy nội địa Xuân Thiện, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình theo quy định (xây dựng bến tạm trong cảng). Tiếp đó, ngày 24/12/2018, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Văn bản Số: 2906/SGTVT-QLCLCTGT thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng cho Bến thủy nội địa Xuân Thiện.

Theo quy định của pháp luật, căn cứ Điểm c; Điểm l - Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng 2014, công trình cảng tạm nên được miễn giấy phép xây dựng). Tuy nhiên Công ty vẫn thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế thi công cảng tạm và báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý. Trong quá trình chuẩn bị, Công ty cũng được Sở giao thông Vận tải hướng dẫn các thủ tục về đầu tư rất cặn kẽ để đảm bảo dự án được triển khai đúng quy định của Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình (bao gồm Cảng Xuân Thiện Lạc Thủy) hứa hẹn trở thành tiềm năng phát triển và thay đổi rất lớn cho vùng đất này. Trong đó, xã Yên Bồng từ một xã khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nguồn thu rất hạn hẹp nay đang dần trở nên sôi động với các hoạt động kinh doanh và dịch vụ; trong tương lai, khi Nhà máy và bến cảng đi vào hoạt động sẽ giúp cho nơi đây được “thay da đổi thịt”.

Nhóm PVTT Tây Bắc (tại Hòa Bình) thực hiện