Doanh nghiệp Việt đã thực sự quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường số?

21:46 04/10/2022

Việc vi phạm thương hiệu và bản quyền trên internet, hay rộng hơn là các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp số và các công ty khởi nghiệp. Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, vấn đề bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

 

Ảnh minh họa
 Ông Trần Lê Hồng

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.

Trong môi trường số chủ yếu là đăng ký quyền tác giả và việc này hiện đơn giản, chỉ mất khoảng 15 ngày. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tra cứu các nhãn hiệu đã đăng ký tại cả Việt Nam hay các thị trường nước ngoài, tất cả đều miễn phí.

Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức nhất là doanh nghiệp. Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng lại không được doanh nghiệp quan tâm. “Sự quan tâm, nhận thức vể quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản nếu không sẽ không giải quyết được các vụ việc” - ông Trần Lê Hồng nói.

"Số lượng các đơn đăng ký nhãn hiệu ở trong nước tính đến nay đã vượt con số 600.000, trong đó số lượng đơn đăng ký trong 1 năm cũng vào khoảng 45.000 – 50.000 đơn", ông Hồng dẫn chứng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã cử nhân viên thực tập hoặc những người ít liên quan tới làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, chứng tỏ họ không coi việc bảo vệ thương hiệu là vấn đề ưu tiên - ông Hồng cho biết thêm.

Ông Trần Lê Hồng cho biết, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn khi doanh nghiệp muốn cung cấp các hàng hoá, dịch vụ ra thị trường quốc tế thông qua Internet.

"Nếu có xảy ra tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí xảy ra ở cả trên môi trường mạng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ sẵn sàng cung cấp các ý kiến chuyên môn cho các cơ quan chức năng, các cơ quan thực thi như cơ quan quản lý thị trường hay hải quan, những trường hợp liên quan đến hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên môi trường trực tuyến, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ", ông Hồng nói.

Ông Hồng cho rằng, trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp. Tính cạnh tranh, tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ, sẽ là yếu tố quyết định chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, để dễ dàng được nhận diện thì chắc chắn doanh nghiệp phải dựa vào công cụ thương hiệu.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần có sự đầu tư trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mà mình phát triển. Nếu không, dù có nỗ lực nhiều phát triển sản phẩm, dịch vụ đó nhưng lại thất bại trong việc thị trường hóa nó.

Các doanh nghiệp phải tìm cách thương mại hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mới là đích đến cuối cùng để có được lợi nhuận.

Do vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở pháp lý cho các thành quả của mình, cụ thể là đăng ký nhãn hiệu ở thị trường Việt Nam, cũng như ở thị trường các nước mà doanh nghiệp mong muốn phát triển.

"Bản thân tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, nguồn lực còn yếu nên khi đăng ký ở nước ngoài để giữ thương hiệu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn những quy trình đăng ký quốc tế", ông Hồng cho hay.

"Trong thời gian qua, theo thống kê của rất nhiều tổ chức khác nhau, một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động thương mại điện tử là hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu như vi phạm pháp luật về nhãn hiệu có tính lãnh thổ. Vì vậy, các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý để đảm bảo được hoạt động thuận lợi kể cả ở trong và ngoài nước", Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ nhấn mạnh.

Hải Anh