Đồng USD trên đà trượt dốc: Nguyên nhân từ đâu?

08:30 08/12/2020

Tỷ giá đồng USD đang ở ngưỡng thấp nhất gần 3 năm. Giới chuyên gia giải thích sự sụt giảm của đồng USD đến từ triển vọng kinh tế toàn cầu, quyết định của các ngân hàng trung ương trên thế giới và một số yếu tố khác.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tỷ giá đồng USD đang ở ngưỡng thấp nhất gần 3 năm, trong bối cảnh giới đầu tư rót tiền trở lại vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn. Giới phân tích dự báo xu hướng mất giá của bạc xanh sẽ tiếp tục trong năm 2021.

Tuần trước, đồng USD chạm mức thấp. Giới chuyên gia giải thích sự sụt giảm của đồng USD đến từ triển vọng kinh tế toàn cầu, quyết định của các ngân hàng trung ương trên thế giới và một số yếu tố khác. Nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang dần phục hồi. Do đó, các tài sản đóng vai trò "trú ẩn" an toàn như đồng USD có xu hướng suy yếu.

Hiện, bất chấp các đợt bùng dịch mới ở nhiều nơi trên thế giới, giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào sự xuất hiện của một, thậm chí một vài loại vaccine chống Covid-19 an toàn và hiệu quả. Họ tin rằng chúng sẽ tạo ra sự bùng nổ hoạt động vào giữa năm 2021.

Yếu tố gây mất giá

Động lực đưa tỷ giá USD tăng mạnh hồi tháng 3/2020 là virus corona chủng mới trở thành đại dịch toàn cầu, thúc đẩy giới đầu tư ồ ạt tìm kiếm những tài sản an toàn. Trong đó, USD và trái phiếu kho bạc Mỹ rất được ưa chuộng.

Gần đây, khi một loạt vaccine ngừa Covid-19 cho kết quả thử nghiệm khả quan, thị trường chứng khoán thế giới đã tăng điểm mạnh. Các tài sản có độ rủi ro cao hơn khác cũng đồng loạt tăng giá. Trái lại, USD trượt giá nhanh so với các đồng tiền mạnh khác. Tuần trước, cả Euro và Bảng Anh đều đạt mức cao nhất 2 năm so với USD, trong khi Franc Thụy Sỹ đạt đỉnh 6 năm.

Cùng với bước tiến về vaccine Covid-19, USD còn chịu sức ép mất giá từ việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Quốc hội Mỹ có thể sắp thông qua một gói kích cầu kinh tế mới, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để vực dậy tăng trưởng. 

USD chịu sức ép mất giá từ việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.

Tất cả những yếu tố này làm gia tăng kỳ vọng tăng phát (reflation - sự gia tăng lượng tiền mặt được sử dụng trong nền kinh tế) trong 2021. Giao dịch USD dựa trên kỳ vọng tăng phát (reflation trade) là cơ sở để giới phân tích dự báo USD sẽ tiếp tục mất giá trong năm tới.

Thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, đã góp phần đưa USD tăng giá trong những năm gần đây, theo Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management. Căng thẳng địa chính trị mà thuế quan gây ra khiến giới đầu tư tìm đến những "vịnh tránh bão" như USD. Trong khi đó, ông Biden được dự báo sẽ theo đuổi chính sách bớt cứng rắn hơn với Trung Quốc, và điều này được cho là sẽ có lợi cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại tạo áp lực giảm giá cho USD.

Gói kích thích bổ sung

Sự phục hồi thị trường việc làm của Mỹ có nguy cơ bị đình trệ vì các đợt bùng phát dịch mới. Trong tháng 11/2020, Mỹ chỉ bổ sung 245.000 việc làm với tốc độ tuyển dụng thấp nhất kể từ tháng 4. Hồi tháng 10, con số này là 610.000 việc làm.

Theo nhà báo Matt Egan của CNN, triển vọng việc làm ảm đạm làm dấy lên lo ngại rằng sẽ ngày càng nhiều người mất việc trước khi vaccine được phân phối trên diện rộng. "Nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi bật tăng. Số người có việc làm dễ dàng sụt giảm trong tháng 12 và tháng 1", ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Obama, nói với CNN.

Các nhà kinh tế không cho rằng một đợt sa thải hàng loạt như hồi đầu năm nay sẽ lặp lại tại Mỹ. Tuy nhiên, bất cứ sự gián đoạn nào trên thị trường lao động cũng thổi bùng mối lo ngại về việc 10 triệu người Mỹ đã mất việc làm từ tháng 2/2021.

Các đợt bùng phát dịch mới làm gián đoạn sự phục hồi trên thị trường việc làm Mỹ. Ảnh: Reuters
Các đợt bùng phát dịch mới làm gián đoạn sự phục hồi trên thị trường việc làm Mỹ. Ảnh: Reuters.

"Vaccine sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động kinh tế vào năm 2021. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài và khó khăn, với nhiều thách thức hơn trước khi có những cải thiện", ông Furman, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, khẳng định.

Khi nền kinh tế mất đà tăng, chính quyền Washington đứng trước áp lực đạt thỏa thuận về gói kích thích kinh tế bổ sung. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã mất nhiều tháng bế tắc do không thể thống nhất quy mô gói cứu trợ.

"Báo cáo việc làm tháng 11/2020 đang kêu gọi các nhà lập pháp đưa ra những biện pháp kích thích tài khóa bổ sung nhằm thu hẹp khoảng cách sản lượng trong nền kinh tế cho đến khi vaccine được triển khai", ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cao cấp của hãng Allianz Investment Management, bình luận.

"Họ càng trì hoãn thì khoảng cách càng rộng ra", ông nhấn mạnh.

Phương Ly