Đồng Tháp: Từng bước kiểm soát dịch Covid-19 gắn với khôi phục kinh tế - xã hội trong tình hình mới

11:40 06/10/2021

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh nghiên cứu, triển khai các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương, để vừa quản lý dịch bệnh, vừa giải quyết các vấn đề về lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tìm phương án thích ứng, khôi phục kinh tế - xã hội sau thời gian chống dịch ...

Khởi công gói thầu 06, 07 - Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh

Sáng 06/10, tại xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và huyện Thanh Bình đến dự Lễ Khởi công Gói thầu 06, 07 - Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án
Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp được Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định vay vốn với Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út năm 2018, với 02 hợp phần: Hợp phần 01 - Nâng cấp hệ thống đê phòng chống lũ kết hợp giao thông nông thôn (hơn 64 km); Hợp phần 02 - Nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn khác đảm bảo hoạt động trong lũ (hơn 31 km). Tổng mức đầu tư hơn 678 tỷ đồng (50% vốn vay ODA).

Dự án được phân thành 09 gói thầu, trong đó gói thầu số 06: Nâng cấp hệ thống đê phòng chống lũ kết hợp giao thông nông thôn, gồm xây dựng tuyến đê bao Cù Lao Tây, tuyến đê bao Rạch Mã Trường; cải tạo 04 cống hở: Hai Vấn, Chín Cứng, Lộ Mới, Doi Lửa; xây dựng cống thoát nước ngang đường; xây dựng cầu Rạch Mã Trường 1 và cầu Rạch Mã Trường 2. Gói thầu số 07: Xây dựng tuyến đường Tân Bình - Tân Huề; rãnh dọc thoát nước; cống ngang đường phi 800; nạo vét kênh Rạch Mã Trường thuộc hợp phần 2.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh: Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Đồng Tháp nói chung và 05 xã Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình nói riêng. Đây cũng là niềm ước ao của tất cả bà con 05 xã Cù lao Tây (chiếm hơn 40% dân số huyện) khi có được một hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Để Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị đơn vị thi công tập trung nguồn lực để triển khai Dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng quy định pháp luật có liên quan, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; đảm bảo chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo huyện Thanh Bình, khảo sát một số tuyến đường, chợ tại Cù lao Tây Thanh Bình
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo huyện Thanh Bình, khảo sát một số tuyến đường, chợ tại Cù lao Tây Thanh Bình. Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Dự kiến, sau 15 tháng, Dự án sẽ hoàn thành, góp phần đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của lũ lụt, ngập úng và khô hạn đối với sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng dự án.

Tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp về giải pháp thích ứng, phục hồi sản xuất

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp cùng các sở, ngành tỉnh và huyện, thành phố trên địa bàn: tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp về giải pháp thích ứng, phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới "vừa phòng chống dịch - vừa khôi phục sản xuất kinh doanh".

Các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất tại buổi gặp gỡ. Ảnh tư liệu
Các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất tại buổi gặp gỡ. Ảnh tư liệu.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Lao động – TBXH và UBND huyện, thành phố nghiên cứu, triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp tại địa phương, để vừa quản lý dịch bệnh, vừa giải quyết các vấn đề về lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Lao động – TBXH, Ban Quản lý Khu kinh tế và UBND huyện, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án, lộ trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp tại địa phương (chuyển đơn hàng, nguyên liệu cho nhau), để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, giao các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, để tổ chức sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Định kỳ trước ngày 25 hằng tháng, các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện về Ban hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xuống "chốt" đón người dân hồi hương

Từ ngày 01- 05/10, đã có hơn 109.000 người từ các vùng dịch: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ... tự phát di chuyển về hoặc đi ngang Đồng Tháp; trong đó, có hơn 23.800 người dân Đồng Tháp. Dù người dân về nằm ngoài kế hoạch với số lượng rất lớn và nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất cao, song với tinh thần đồng cảm, chia sẻ khó khăn, nghĩa tình lúc hoạn nạn, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và các huyện, thành phố đang nỗ lực tiếp nhận, bố trí và đảm bảo đưa đón bà con hồi hương một cách trật tự và an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đội mưa đón người dân hồi hương
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đội mưa đón người dân hồi hương.  Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Trước tình trạng dòng người bất ngờ ồ ạt di tản về địa phương, suốt 05 ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa “đứng ngồi không yên” bởi  vừa lo an toàn cho bà con, vừa lo nguy cơ lây lan mầm bệnh rất cao nếu không có biện pháp kiểm soát ngay từ đầu. Sau các cuộc họp giải quyết công việc, ông Phạm Thiện Nghĩa đều tranh thủ thời gian bất kể ngày đêm, nắng mưa đến các chốt kiểm soát liên tỉnh để chỉ đạo công tác tiếp nhận bà con chu đáo, an toàn. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) chào đón bà con trở về địa phương tại chốt kiểm soát trên tuyến Quốc lộ N2 thuộc địa phận xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười.
Ông Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) chào đón bà con trở về địa phương tại chốt kiểm soát trên tuyến Quốc lộ N2 thuộc địa phận xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười.  Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan: tăng cường tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, khi có người thân hoặc phát hiện có người từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương thì vận động hoặc báo tin cho Ban Nhân dân khóm, ấp, Tổ nhân dân tự quản, đoàn thể địa phương vận động, yêu cầu những trường hợp này đến các Trạm Y tế cấp xã để khai báo y tế và được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi sức khoẻ và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định; Khẩn trương chỉ đạo rà soát từng hộ gia đình có người thân đang làm việc, sinh sống ngoài tỉnh có nhu cầu về quê để vận động gia đình thuyết phục thân nhân tiếp tục ở lại thêm thời gian nữa để được tiêm đầy đủ vắc xin phòng Covid-19 và làm việc.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 06/10, Đồng Tháp có 47 ca dương tính (giảm 20 ca so ngày hôm qua), cụ thể: Từ vùng dịch về: 46 ca (trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh: 15 ca; Bình Dương: 21 ca; Long An: 08 ca; Đồng Nai: 02 ca). Tổng số ca dương tính 8.493 ca (trong đó có 176 ca từ vùng dịch về, tính từ ngày 01/10/2021 đến nay).

Tính đến ngày 06/10/2021, tỉnh đã tiêm được 524.974 liều (tiêm mũi 1: 428.731 liều, đạt 36,29% dân số của tỉnh; tiêm mũi 2: 96.243 liều, đạt 8,15% dân số của tỉnh). Đánh giá mức độ kiểm soát dịch Covid-19 cấp huyện:

Tính đến ngày 05/10/2021, có 06 địa phương (Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng, Lấp Vò, Cao Lãnh, Châu Thành) cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 (từ 14 ngày trở lên chưa ghi nhận ca mắc cộng đồng) và 01 địa phương: thành phố Hồng Ngự không có ca nhiễm cộng đồng từ 07 ngày trở lên.

Trong ngày, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, gồm: Lao động tự do: 1.120 người với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, nâng tổng số được hỗ trợ đến nay là 103.195 người với tổng số tiền trên 154,7 tỷ đồng; người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 300 người với số tiền 1,2 tỷ đồng, nâng tổng số được hỗ trợ đến nay là 4.755 người, với tổng số tiền trên 18,3 tỷ đồng; Hộ kinh doanh: 229 hộ với số tiền 687 đồng, nâng tổng số hộ được hỗ trợ đến nay là 7.333 hộ, với tổng số tiền hơn 21,7 tỷ đồng./.

Lập Nguyễn (TH)