Động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng năm 2021

08:54 31/12/2020

Dù ngành ngân hàng, vốn là một ngành nghề chịu tác động nhiều của vĩ mô, sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp xấu, nhưng nhóm phân tích vẫn nhận thấy nhiều điểm sáng.

Vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN dự kiến lấy 12% là mục tiêu cho tăng trưởng tín dụng năm 2021, có thể mở rộng hơn lên 13-14%. Con số này là các chỉ tiêu không bắt buộc và sẽ cân đối phù hợp với tình hình thị trường và nền kinh tế. 

Chỉ tiêu tín dụng từ NHNN tương đương kỳ vọng của các công ty chứng khoán trong các báo cáo về triển vọng năm sau.

VNDirect có góc nhìn lạc quan hơn. Báo cáo CTCK này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13-14% trong năm 2021 với giả định nền kinh tế toàn cầu sẽ dần hồi phục, tương quan xu hướng của Việt Nam. 

Các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong năm sau, trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp hơn do chính sách tiền tệ nới lỏng

Tăng trưởng tín dụng hồi phục tác động tích cực đến hoạt động của các ngân hàng
Tăng trưởng tín dụng hồi phục tác động tích cực đến hoạt động của các ngân hàng.

Báo cáo chi tiết mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, dù ngành ngân hàng, vốn là một ngành nghề chịu tác động nhiều của vĩ mô, sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp xấu, nhưng nhóm phân tích vẫn nhận thấy nhiều điểm sáng mà dẫn đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh vốn đã dành năm 2020 để chuẩn bị nhiều bộ đệm dự phòng thay vì bất chấp tăng trưởng, bên cạnh một vài ngân hàng tư nhân có khả năng chống chịu trong kịch bản xấu.

2020 là cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chi phí vốn. Theo NHNN, lãi suất cho vay giảm 0,6-0,8% so với năm 2019. Trong khi đó, lãi suất huy động giảm 1,5-2,5% so với đầu năm. Tốc độ giảm của lãi suất cho vay chưa tương ứng với huy động. Một số đơn vị vẫn đang có lãi suất huy động đặc biệt (13 tháng, tiền gửi trên 500 tỷ đồng) làm cơ sở với lãi suất cho vay ở mức cao 7-8%. Nhờ đó, các ngân hàng tiếp tục tận dụng được nguồn vốn với chi phí vốn thấp.

Mở rộng thị phần tín dụng nhờ mảng trái phiếu doanh nghiệp

Trong vòng 2 năm, tính đến tháng 9/2020, các ngân hàng quốc doanh niêm yết ước tính đã mất 274 điểm cơ bản trong thị phần tín dụng và 172 điểm cơ bản thị phần tiền gửi khách hàng, do nền tảng an toàn vốn thấp đã hạn chế tăng trưởng.

Trong khi đó thay vì tập trung vào mảng cho vay truyền thống, nhiều ngân hàng tư nhân đã mở rộng thị phần tín dụng nhờ mảng trái phiếu doanh nghiệp, đây được xem là cứu cánh cho nhiều nhà băng trong giai đoạn cho vay khó khăn. Dù Nghị định 81 gây áp lực lên hoạt động phát hành trái phiếu nhưng sẽ giúp kênh này ổn định và lành mạnh hơn nhờ các quy định về quy mô lượng phát hành, thời gian giữa các đợt phát hành. Nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng cao của các ngân hàng ưa thích mở rộng dư nợ trái phiếu, và đóng góp vào tăng trưởng thu nhập dịch vụ ở nhóm ngân hàng có thế mạnh tư vấn, bảo lãnh phát hành.

Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và quy mô nắm giữ (%, nghìn tỷ VND)
Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và quy mô nắm giữ (%, nghìn tỷ VND).

VDSC đánh giá việc các ngân hàng quốc doanh vẫn chưa mở rộng danh mục sang mảng mới một phần do chưa kiểm soát được hoàn toàn rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 81 sẽ góp phần đưa tín dụng mở rộng hơn về phía trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng quốc doanh sẽ sớm tham gia và kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đưa thêm các quy định để hỗ trợ sự phát triển ổn định, minh bạch của thị trường tiềm năng này.

Việc nhóm ngân hàng quốc doanh được cởi bỏ áp lực về vốn nhờ Nghị định 121 sẽ góp phần giúp sự biến động trong thị phần tín dụng của các ngân hàng sẽ giảm. Áp lực cho nhóm này về tăng vốn sẽ cao dần về cuối năm nhưng năm 2021 vẫn sẽ có mức tăng trưởng tín dụng tốt. Trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn sẽ đa dạng danh mục tín dụng bằng thị trường cho vay và trái phiếu doanh nghiệp thì có thể sẽ có những bất ngờ đến từ việc gia tăng quy mô trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng quốc doanh.

Xu hướng số hóa dịch vụ thanh toán còn tiếp tục

Mảng thanh toán đang trở thành một động lực mới cho ngành ngân hàng. Với thanh toán nội địa, cuộc đua công nghệ và giảm phí đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút người dùng. Với sự phát triển mạnh của ví điện tử, các ngân hàng cũng gia tăng mạng lưới bằng các hình thức đối tác chiến lược. VDSC đánh giá, với mạng lưới khách hàng của kênh dẫn vốn truyền thống và sự kết nối với người dùng, dưới sự cạnh tranh đến từ nhóm fintech và có thể có áp lực từ các đối thủ tham gia thông qua EVFTA, các ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ trụ vững. Kịch bản thâm nhập thị trường có thể là đầu tư, mua bán sáp nhập hoặc hợp tác chiến lược với các ngân hàng thương mại truyền thống của Việt Nam khi các ngân hàng đã có lợi thế vững về quy mô, thương hiệu, mạng lưới thị trường.

Do vậy năm 2021, xu hướng số hóa dịch vụ thanh toán sẽ còn tiếp tục, đầu tư vào công nghệ tiếp tục là trọng tâm, các ngân hàng sẽ hướng đến việc mở rộng đến SME với các dịch vụ được điều chỉnh phù hợp. Nhìn chung, mảng ngân hàng giao dịch và ngân hàng thanh toán dự kiến sẽ đóng góp tỷ trọng lớn trong nguồn thu nhập dịch vụ trong trung hạn.

Ở mảng thanh toán quốc tế, ưu thế nghiêng về các ngân hàng quốc doanh nhờ tệp khách hàng doanh nghiệp lớn, thương hiệu quốc tế, mạng lưới rộng và ưu đãi đến từ cổ đông nhà nước. Đây sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngân hàng này.

Bên cạnh đó, mảng bancassuarance dự kiến cũng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp cho thu nhập dịch vụ. Hàng loạt các thương vụ ký kết hợp đồng độc quyền diễn ra trong 2 năm qua dự kiến sẽ tạo nên sự cạnh tranh mạnh trong thị phần bancassuarance, dẫn đầu là TCB và các ngân hàng tư nhân khác. Nhờ dư địa thị trường còn rất nhiều và tỷ lệ thâm nhập người dùng mới, dù có cạnh tranh nhưng tỷ trọng mảng này sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các hợp đồng độc quyền cũng dự kiến sẽ mang lại nguồn thu nhập bất thường lớn cho các ngân hàng.

Năm 2021, phí mảng bancassuarance kỳ vọng sẽ cao đối với toàn ngành, có thể chậm hơn ở các ngân hàng vừa ký kết hợp đồng độc quyền trong năm 2020 nhưng vẫn có thể có bất ngờ tích cực từ nửa sau năm 2021.

Cùng với đó, các yếu tố khác cũng hỗ trợ cho thu nhập ngoài lãi năm 2021 tăng mạnh, như lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh mang lại nguồn lợi nhuận tiềm năng cho các ngân hàng nắm giữ tỷ trọng lớn, mảng ngoại hối tiếp tục đóng góp tích cực hay nguồn thu nhập bất thường từ khoản phí trả trước cũng là một điểm tựa. Ngoài ra, với việc một số ngân hàng tăng trích lập và xóa nợ trong thời kỳ dịch bệnh, trong kịch bản tích cực, các ngân hàng sẽ có nguồn lợi nhuận tiềm năng từ thu hồi nợ xấu.

TH