Động lực nào đặt nền móng cho Trung Quốc trong công cuộc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới?

10:50 06/09/2021

Được mô tả là “nền móng” quyết định “sức mạnh và vì tương lai của Trung Quốc trên trường quốc tế”, sản xuất một lần nữa trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thách thức Hoa Kỳ và vươn lên đạt lấy ngôi vị số một thế giới.

  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng tại cả các thị trường phát triển hay đang phát triển, Trung Quốc đổi mới nỗ lực tái khởi động lĩnh vực sản xuất, rời bỏ lối chơi cũ dựa vào chi tiêu bất động sản và cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. 

Theo Phó Tổng thư ký Gao Gao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Trung Quốc vẫn đi sau đáng kể so với các đối thủ nặng ký về sản xuất công nghệ cao là Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào nâng mức lương trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các ngành mới và tích hợp sản xuất - dịch vụ, tất cả đều nhằm mục đích “biến hóa” ngành sản xuất hấp dẫn đối với người lao động.

Tuần trước, Hội đồng Nhà nước cũng cho biết phương án trợ cấp đào tạo hơn 75 triệu người nhằm tăng số lượng công nhân lành nghề. Ông Gao chia sẻ: “Về lâu dài, cơ cấu nhân khẩu học đang có những điều chỉnh sâu hơn, số người trong độ tuổi lao động giảm và nguồn cung lao động cũng giảm. Nhiều người trẻ miễn cưỡng tìm việc làm trong lĩnh vực sản xuất nhưng suy cho cùng họ vẫn thích làm trong các ngành dịch vụ có công việc linh hoạt hơn và không quá căng thẳng”.

Trung Quốc cho biết, vào cuối kế hoạch 5 năm hiện tại cho giai đoạn 2021-2025, nước này có thể trở thành một quốc gia có thu nhập cao, tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035. Điều này có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng đe dọa tới ngôi vương của Hoa Kỳ. Vào tháng 7, dự báo từ Bloomberg Economics cho rằng, Trung Quốc thậm chí có thể chiếm vị trí đầu bảng ngay sau năm 2031.

Trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tài sản, nhưng Bắc Kinh muốn kiểm soát mức nợ ngày càng tăng và thay vào đó hướng chi tiêu vào lĩnh vực sản xuất. Với mức tiêu thụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau tác động của đại dịch, sản xuất được coi là “vị cứu tinh” cho sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc.

NDRC cho biết: “Sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế chất lượng cao”. Các nhà hoạch định kinh tế nhấn mạnh sản xuất là một phần không thể thiếu trong kế hoạch “thịnh vượng chung” và mang tính chiến lược đặt mục tiêu về một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại”. Do đó, “sản xuất là nền tảng quyết định sức mạnh của quốc gia và vị thế tương lai của quốc gia đó trên thế giới” báo cáo của NDRC chỉ ra.

Xia Le, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại BBVA, cho hay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5-5,5% trong 10 đến 15 năm tới, đóng góp của ngành sản xuất vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không được giảm thêm. Ông nói thêm rằng, các nhà hoạch định chính sách có thể dễ dàng chấp nhận sự suy giảm ở các khu vực khác của nền kinh tế, nhưng mục tiêu chính là duy trì sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất. Đóng góp của ngành này vào GDP của Trung Quốc đã giảm trong 4 năm qua từ hơn 30% xuống 27,7% vào năm 2019.

Theo báo cáo của NDRC, số lượng các công ty đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất giảm trung bình 5,2% trong giai đoạn 2017 - 2019, trong khi số lượng các nhà sản xuất đóng cửa tăng đáng kể trong cùng thời kỳ với tốc độ trung bình 24,6%. George Magnus, một cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford phân tích, Trung Quốc có thể nâng cấp ngành sản xuất để cạnh tranh hoặc thậm chí vượt qua các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức là điều khả thi nhưng vẫn còn thiếu đổi mới. Magnus cho rằng: “Sức nặng và trọng lượng kinh tế không chỉ là sở hữu một khu vực sản xuất sôi động. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cần kết hợp cam kết sản xuất với việc tái sinh cải cách mà chính phủ hiện đang đóng cửa”.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc đánh dấu sự thay đổi khỏi trọng tâm tăng trưởng truyền thống trong các chiến lược trước đây của Bắc Kinh. Kế hoạch nhấn mạnh “phát triển chất lượng” tập trung vào quốc nội. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sự tham gia của Trung Quốc vào thương mại quốc tế có thể bị gạt sang một bên, đẩy lùi những hứa hẹn về tăng hiệu quả thị trường và mở cửa hơn nữa.

Tuy nhiên, Zhang Ming, Phó Giám đốc Viện Tài chính thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) tin rằng, trong khi cải cách và mở cửa có hiệu quả, Trung Quốc sẽ cần phải tìm ra tăng trưởng mới trên sân nhà để đáp ứng tình hình. Quan hệ Trung - Mỹ xấu đi đồng nghĩa với Trung Quốc không còn có thể trông chờ vào nhu cầu bên ngoài.

Chính phủ Hoa Kỳ đã thắt chặt xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc trong một loạt vấn đề, bao gồm các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh, các cuộc đàn áp ở Hồng Kông và các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Zhang cho biết, Trung Quốc cần tận dụng các nguồn lực tốt hơn bằng cách kết nối chặt chẽ các thành phố để tổng hợp các nguồn lực và ngăn chặn đánh mất các ngành công nghiệp vào tay các nước đang phát triển có chi phí thấp.

“Các ngành này không nhất thiết phải vươn xa hơn miền Đông Trung Quốc”, Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ China News Weekly. Chúng tôi đã nhận thấy một số thay đổi trong chính sách từ chính quyền trung ương để giúp bù đắp những hạn chế về di chuyển tài sản và vốn ở các tỉnh khác nhau”, ông chỉ ra những trở ngại trong việc luân chuyển vốn và tài sản trong Trung Quốc đã cản trở sự phát triển của ngành vì các chính quyền địa phương luôn muốn giữ lại nguồn lực. Theo Zhang, nhiệm vụ quan trọng nhất là thay đổi cách đánh giá của các quan chức chính quyền địa phương. Lấy đồng bằng sông Dương Tử làm ví dụ, trong tương lai, đánh giá của các quan chức Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải có thể xem xét đưa phát triển tổng hợp làm chuẩn.

Các nhà phân tích cũng tin rằng, khó có khả năng Trung Quốc hoàn toàn rời bỏ cơ sở hạ tầng và chi tiêu bất động sản như một lựa chọn để thúc đẩy nền kinh tế bất chấp những lo ngại về nợ của Bắc Kinh và liệu Trung Quốc có thể biến thành một cường quốc công nghệ hay không có thể phụ thuộc vào sự phân phối từ các chính quyền địa phương. Li Xiaohua, Phó Giáo sư tại Viện Kinh tế Công nghiệp tại CASS nói rằng, một số chính quyền địa phương có xu hướng tập trung hơn vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, dồn nguồn lực vào các ngành công nghệ cao, nhưng điều này thường dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực và sự phát triển tiên tiến bị biến thành các dự án chất lượng thấp.

TL