Donald Trump trước thách thức cứu kinh tế Mỹ khỏi “bão” khủng hoảng

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chao đảo vì COVID-19. Có thể nói, tâm lý lo sợ của người dân là một trong những rào cản lớn nhất, khiến kinh tế Mỹ khó trở lại bình thường. Điều này cũng không khó hiểu, khi tính đến nay nước Mỹ đã có hơn 800.000 người mắc virus SARS-CoV-2, khiến các hoạt động kinh doanh trở nên đóng băng, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề.

 

Mỹ có khả năng mất nhiều thời gian để lấy lại được vị thế số 1 thế giới

Xóa sổ toàn bộ thành tựu kinh tế

Trong tháng 03, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Mỹ đều bị gián đoạn, số việc làm giảm xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến những doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng do tài sản tích trữ của nhóm này rất ít. Người dân Mỹ hiện nay đa phần đều sử dụng khoản vay nợ để chi tiêu, học đại học… nên nhóm này đang đứng trước nguy cơ khó khăn hơn khi thu nhập tạm ngừng, trong khi chi phí cố định vẫn phải trả.

Trang báo CNBC nhận định: Chỉ mất bốn tuần để nền kinh tế Hoa Kỳ gần như xóa sạch toàn bộ số việc làm đã gây dựng trong 11 năm qua. Theo báo cáo trước đó, số người Mỹ đã nộp đơn thất nghiệp chỉ trong vòng 4 tuần đã lên tới 20,025 triệu người. Hơn 95% trong số 330 triệu dân của đất nước đang ở trong nhà. Điều này dường như khiến nền kinh tế ở đây gần như đóng băng hoàn toàn, các chỉ tiêu đã đề ra về mức tăng trưởng đều không đạt được. 

Một tài liệu nghiên cứu của các nhà kinh tế từ Đại học Chicago và Đại học Boston dự đoán rằng nền kinh tế sẽ giảm 11% vào cuối năm nay so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ đã giảm 8,7% trong tháng 03. Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JP Morgan Chase & Co cũng báo cáo, lợi nhuận giảm hơn 2/3 trong quý I/2020 và hiện đang dự trữ gần 7 tỷ USD để bảo vệ ngân hàng này khỏi làn sóng vỡ nợ tiềm năng trong những tháng tới... Đây được đánh giá là cơn co mạnh nhất kể từ năm 1946 tại Mỹ. 

Mới đây, khi Chính quyền Tổng thống Trump bàn về thời điểm khởi động lại nền kinh tế đang bị tàn phá bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19, họ đã nhớ lại những bài học không thể quên trong quá khứ. Cụ thể, ngành hàng không Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bốn vụ tấn công khủng bố Ngày 11/09/2001. Sau đó, phải ba năm sau, ngành hàng không Mỹ mới có thể hoàn toàn phục hồi niềm tin của khách hàng như trước khi xảy ra khủng bố.

Hay kể đến sự bùng nổ của thị trường bong bóng nhà đất với đỉnh điểm về giá vào khoảng năm 2005 - 2006 cũng đã khiến niềm tin kinh doanh ở nền kinh tế số 1 sụt giảm nghiêm trọng. Phải 5 năm sau, người mua và người bán bất động sản Mỹ mới có thể lấy lại niềm tin để tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực này.

Có thể thấy rõ, khi nước Mỹ phải đối mặt với bất kỳ cú sốc nào đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi tâm lý cho người dân. Cú sốc từ đại dịch COVID-19 dự đoán cũng sẽ như vậy. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trong quá trình suy thoái và sẽ mất một thời gian để đưa nền kinh tế nước này trở lại vị thế mạnh như trước đại dịch.

Hành động của Donald Trump

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe ở Mỹ đã xảy ra từ hơn một tháng trước, trước khi các dự đoán về COVID-19 lan rộng nhanh chóng trên cả nước. Các doanh nghiệp đã được lệnh đóng cửa và người dân ở phần lớn các tiểu bang yêu cầu phải cách ly ở nhà như một điều kiện thiết yếu để phòng chống sự lây lan của virus. Ngay lập tức, câu hỏi được đặt ra lúc này là làm thế nào để vừa đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo tránh khỏi suy thoái cho nền kinh tế. 

Trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tỏ ra nóng ruột với tình trạng nền kinh tế tê liệt và nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn sớm mở cửa lại nền kinh tế. Tổng thống Trump lập luận việc phong tỏa kéo dài nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan có thể gây tổn hại nặng cho nền kinh tế và xã hội Mỹ, theo Reuters. “Chúng ta sẽ không mở cửa tất cả một lần mà sẽ tiến hành từng bước cẩn thận và theo thời gian” – Tổng thống chia sẻ. 

 

Tổng thống Trump tỏ ra nóng ruột với tình trạng nền kinh tế tê liệt

Mới đây, ông còn cho biết, sẽ mở cửa nền kinh tế trở lại tại một số bang trước ngày 1/5. Theo những hướng dẫn mới cấp liên bang do Tổng thống Trump đề xuất, các bang cần ghi nhận xu hướng đi xuống của số ca nhiễm COVID-19 trước khi bắt đầu quá trình tái mở cửa nền kinh tế. Nhà trắng cũng đưa kế hoạch để mở cửa lại nền kinh tế bao gồm 03 giai đoạn. Giai đoạn một, khuyến cáo không nên tụ tập đông người, các doanh nghiệp áp dụng chính sách “làm việc từ xa”, giảm thiểu đi lại nếu không quá cần thiết, các cá nhân được khuyến cáo cách ly tại nhà. Trong giai đoạn hai, áp dụng cho các bang và vùng không có ca nhiễm mới; trường học, phòng tập, quán bar, nhà thờ và các địa điểm lớn khác có thể mở cửa trở lại với các biện pháp an toàn thích hợp. Giai đoạn thứ ba cho biết, lúc này nhân viên có thể đi làm trở lại; các quán bar, phòng tập và các địa điểm lớn có thể mở cửa trở lại bình thường.  

Ông Trump đang mong muốn sớm vực dậy nền kinh tế Mỹ sau khi tình trạng phong tỏa phòng ngừa COVID-19 lây lan đã khiến hàng triệu người dân Mỹ thất nghiệp. Ông chủ Nhà Trắng cũng dự đoán, khi nền kinh tế tái khởi động, Mỹ sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ “có lẽ chưa từng thấy từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lại cảnh báo rằng việc vội vã trở lại cuộc sống bình thường quá nhanh, không có biện pháp bảo vệ cần thiết để ngăn chặn sẽ làm bùng phát đợt dịch thứ hai, và tồi tệ hơn là có thể chỉ làm kinh tế trở nên xấu đi trong khi ông Trump đang cố gắng khắc phục. Điều này thực tế đã xảy ra ở nhiều nước, điển hình làtại Trung Quốc, Singapore và Hồng Kông đã xảy ra tình trạng tái nhiễm sau khi các nhà lãnh đạo nới lỏng các hạn chế kinh tế nghiêm ngặt ban đầu, gây ra tình trạng lây lan nghiêm trọng của virus corona.

Thêm vào đó, các cuộc khảo sát trong thời gian qua cũng cho thấy, ngay cả khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế và cho phép cửa hàng, trung tâm mua sắm hoạt động trở lại thì kinh tế Mỹ cũng sẽ phục hồi với tốc độ chậm. Bởi nền kinh tế Mỹ không chỉ “đóng băng” vì các lệnh hạn chế mà còn vì người dân sợ sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo các nhà kinh tế, người Mỹ chỉ có thể cảm thấy an toàn khi khi có vaccine chống virus corona thì các hoạt động kinh tế Mỹ mới sôi động trở lại. “Sẽ không có chuyện bật đèn xanh thì kinh tế sẽ nhanh chóng vươn dậy”, trang New York Times dẫn lời bà Suzanne Clark, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ.

Trong trang tin của Reuters trích lại lời củagiới chuyên gia khẳng định rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là một quá trình chậm chạp và khó khăn giống như các cuộc khủng hoảng trước. Theo đó, hậu dịch COVID-19, hoạt động thương mại, việc làm sẽ giảm đáng kể và sự phục hồi kinh tế sẽ không giống như những giai đoạn Mỹ đã từng trải qua trong quá khứ. Người tiêu dùng Mỹ cũng có thể không quay trở lại sân bay, nhà hàng và các sân vận động thể thao cho đến khi người dân Mỹ đủ tự tin - rủi ro lây lan dịch bệnh đã giảm.

Thống đốc bang California - Gavin Newsom mới đây đã cho rằng, các nhà hàng có thể mở cửa trở lại với công suất hoạt động bằng 1/2 bình thường và những hoạt động tụ tập đông người có thể vẫn sẽ bị hạn chế. Chính vì vậy, kinh tế Mỹ sẽ không thể trở lại bình thường vào thời điểm này.

 Trinh Trinh