Đón ‘sóng’ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

00:00 12/10/2020

Để đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi ung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời minh bạch và rõ ràng, nhất quán môi trường kinh doanh…

Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Vài năm trở lại đây, xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc đã bắt đầu, không phải chỉ trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 hoặc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên cao. Bởi vì, “công xưởng của thế giới đang quá lớn, đã đến giới hạn” và việc Trung Quốc kiểm soát các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay khiến các nước bắt đầu lo ngại. Các nhà đầu tư cần đa dạng hóa thị trường đầu tư để phân tán rủi ro. Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tăng cao chỉ như “giọt nước tràn ly”.

Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ, khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. 40% doanh nghiệp cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, dự kiến đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico 

Bên cạnh đó, theo Nomura Group (2019), kể từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2019 đã có 656 doanh nghiệp quốc tế rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước khác, trong đó, 26 doanh nghiệp chọn Việt Nam, 11 doanh nghiệp sang Đài Loan và 3 doanh nghiệp sang Ấn Độ.

Trong bối cảnh chuyển dịch, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bởi trước tiên, Việt Nam thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước cú sốc, khủng hoảng là khá tốt.

Việc sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam đã bắt đầu sớm nhất là trong tháng 3. 

Đơn cử như Apple bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng tai nghe sản xuất tại Việt Nam (với khoảng 4 triệu chiếc tai nghe được sản xuất trong quý II/2020). Còn Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mỹ đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng. Panasonic sẽ chuyển nhà máy đến Hà Nội để thành trung tâm sản xuất máy giặt và máy lạnh lớn nhất tại Đông Nam Á.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt nói riêng đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn trong “cuộc đua” đón đầu sự chuyển dịch. Cụ thể, hai đối thủ cạnh tranh rất tiềm năng đang nổi lên như điểm sáng trong thu hút dòng dịch chuyển này là Ấn Độ và Indonesia.

Tại Ấn Độ, thị trường rộng lớn với 1,3 tỷ dân, quy mô kinh tế lớn hơn. Mặt bằng nguồn nhân lực có trình độ cao hơn, nhất là kỹ sư công nghiệp của Ấn Độ thuộc top đầu thế giới. Ấn Độ đã tiếp xúc với hơn 1.000 công ty của Mỹ và các quốc gia khác, đưa ra các ưu đãi đối với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch, hạ tầng để chào mời nhà đầu tư, nghiên cứu các chính sách miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên, cam kết quỹ đất để giảm thu hút doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, chọn 10 ngành chủ chốt để tập trung thúc đẩy sản xuất, mở rộng các kênh tiếp cận những công ty đang tìm nơi đầu tư và di chuyển.

Tại Indonesia, quy mô nền kinh tế của nước này lớn gấp 3 lần Việt Nam. Người lao động cũng có nhiều điểm cạnh tranh, thông thạo tiếng Anh hơn. Indonesia đã tiến hành cắt giảm thuế, cam kết quỹ đất cho các nhà đầu tư, cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh. Trong khi đó, tại Việt Nam, 98% trong số 620.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp vừa và lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Đoan - Chuyên gia đánh giá trưởng, Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia, trong quá trình kết nối, doanh nghiệp Việt còn nhiều vướng mắc như năng lực chưa sẵn sàng. Việt Nam vẫn thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất. Cụ thể, ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc; công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm; dược phẩm nhập 85-90%; ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất.

Vì vậy, để đón được làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc, chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng, sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn.

Chuẩn bị ngay nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghiệp phụ trợ nội địa phát triển logistics thông qua việc giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển; cải cách thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng.

Minh bạch và rõ ràng, nhất quán môi trường kinh doanh. Làm sao để môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, chuyển từ tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi. Đồng thời, cần phòng ngừa nguy cơ hàng hóa nước ngoài, hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng hóa Việt Nam nhằm gian lận, lẩn tránh xuất xứ.

Thanh Tùng