Đơn hàng dệt may đang dần quay trở lại Việt Nam

18:27 18/11/2021

Niềm tin của các nhãn hàng quốc tế đối với dệt may Việt Nam đang tăng trở lại sau khi Chính phủ Việt Nam tái mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Phản hồi về một số thông tin cho rằng các nhãn hàng quốc tế Nike và Adidas đã chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chỉ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, đây là thông tin không chính xác.

Các nhãn hàng đang quay trở lại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 128 về việc kiểm soát dịch Covid-19
Các nhãn hàng đang quay trở lại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 128 về việc kiểm soát dịch Covid-19.

Cụ thể, ông Giang cho biết, các nhãn hàng này không đầu tư nhà máy tại Việt Nam nên không thể chuyển nhà máy đi được. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9 vừa qua, do việc áp dụng giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà máy của Việt Nam không đáp ứng được thời gian giao hàng theo tiến độ đề ra, nên một lượng đơn hàng giao tháng 11, 12 phục vụ thị trường Tết 2022 đã phải chuyển đi, ước tính khoảng 13-14%.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng này cũng không hề đơn giản do phải tốn kém rất nhiều chi phí như chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu từ Việt Nam sang nước khác, chi phí tổ chức sản xuất tại nước mới, đánh giá lại hệ thống…

“Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các nhãn hàng vẫn phải thực hiện đánh giá nhà máy qua các hình thức online, video trực tuyến, đạt yêu cầu thì mới cho tổ chức sản xuất. Do đó, chỉ khi nào thời gian giao hàng quá gấp, không còn cách nào khác thì các nhãn hàng mới buộc phải chuyển đơn hàng sang những nước đáp ứng được yêu cầu để sản xuất” – ông Giang chia sẻ.

Cụ thể như trường hợp Tổng công ty May Việt Tiến đang thực hiện gia công sản xuất cho nhãn hàng Nike. Theo ông Giang, thời gian qua, hãng này cũng đã gây áp lực với Việt Tiến, nhưng họ cũng không thể tìm được nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng và hệ thống đánh giá. Vì vậy, đến nay Nike vẫn chưa hề chuyển bất kỳ đơn hàng nào ra khỏi Việt Tiến.

Một điểm tích cực được ông Giang chia sẻ đó là các đơn hàng hiện đang quay trở lại Việt Nam sau khi Chính phủ đưa ra Nghị định 128 về việc kiểm soát dịch bệnh và sống chung với dịch bệnh. Theo đó, các nhãn hàng vẫn tiếp tục giữ đơn hàng ở lại Việt Nam và bắt đầu quay trở lại cho mùa vụ 2022. Do đó, Vitas đưa ra mục tiêu năm 2011 sẽ xuất khẩu đạt 43-43,5 tỷ USD.

Đối với năm 2021, ông Giang dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 38 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2020.

P.V