Đòn bẩy IR gọi vốn

00:00 12/10/2020

Nếu thực hiện tốt hoạt động thông tin, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh tốc độ huy động vốn.

Mặc dù lên sàn niêm yết nhưng có đến 137 mã cổ phiếu trên sàn UPCoM và 5 cổ phiếu trên sàn HNX có khối lượng giao dịch bình quân 1 năm trở lại đây là “số 0 tròn trĩnh”. Thêm nữa, một nửa cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX và khoảng 2/3 cổ phiếu trên sàn UPCoM (788 mã) có khối lượng giao dịch bình quân qua 1 năm dưới 10.000 cổ phiếu/phiên, theo số liệu của Vietstock.

Thanh khoản kém vì quên IR

“Thanh khoản cổ phiếu thấp do chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư là một trong những thực trạng mà các doanh nghiệp niêm yết hiện nay cần chú trọng thay đổi”, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, nhận định.  

Hoạt động truyền thông doanh nghiệp trên thị trường tài chính mang tính đặc thù và bắt buộc, vì các doanh nghiệp niêm yết bắt buộc phải công bố thông tin theo luật định. Tuy vậy, vẫn còn đó những “khoảng trống” về thông tin dành cho giới đầu tư trên thị trường.

Theo báo cáo “Khảo sát về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2020”, do Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) phối hợp cùng Vietstock thực hiện, chỉ có 329 doanh nghiệp trong tổng số 729 doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên cả 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX, chỉ chiếm tỉ lệ 45,13%.

Khảo sát cũng cho thấy các vi phạm phổ biến liên quan đến việc công bố báo cáo tài chính quý II, quý III của năm 2019, báo cáo tài chính bán niên 2019 và lỗi bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm công bố thông tin. Dù điểm đáng mừng là tỉ lệ này đang có xu hướng cải thiện dần trong thời gian qua, nhưng chưa tới một nửa số doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin là một con số đáng suy ngẫm. “Khoảng trống truyền thông tài chính khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị của họ”, ông Lê Nhị Năng cho biết. 

Ở góc độ doanh nghiệp, điều này cho thấy một bộ phận ông chủ doanh nghiệp chẳng mặn mà gì hoạt động truyền thông tài chính đến các nhà đầu tư (IR), vốn không phải là khái niệm mới trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp có bộ phận IR riêng, hoạt động khá độc lập với bộ phận quan hệ công chúng (PR). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong số này tận dụng các hoạt động IR để đẩy mạnh huy động vốn. 

Đòn bẩy gọi vốn ngoại

Điểm đáng mừng là hoạt động IR trên thị trường Việt Nam gần đây đã có sự cải thiện. “Hoạt động IR đã cải thiện rõ ràng trong 5 năm vừa qua. Các doanh nghiệp đã tiến bộ hơn trong IR, có những công ty thậm chí tiệm cận với IR trong khu vực”, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - Phát triển khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán SSI, nhận xét. Đây là đánh giá được đưa ra từ một đơn vị tổ chức khoảng 500-600 cuộc hẹn giữa quỹ đầu tư và công ty niêm yết hằng năm.

Về vai trò của IR, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF), cho rằng doanh nghiệp không làm tốt IR sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt thông tin về doanh nghiệp, mức định giá doanh nghiệp sẽ giảm. “Các nhà đầu tư cần tiếp cận nguồn tin chính thống, mức độ tin cậy cao”, ông Linh nói.

Ở góc độ các doanh nghiệp, tự bản thân doanh nghiệp, hoặc cùng phối hợp với các đơn vị tư vấn, tổ chức các buổi công bố và trao đổi thông tin định kỳ với nhà đầu tư trong và ngoài nước, chẳng hạn như trường hợp của Techcombank. Giữa tháng 5 vừa qua, ngân hàng này công bố khoản vay hợp vốn 500 triệu USD từ thị trường quốc tế. Khoản vay hợp vốn này thu hút được sự tham gia của 24 định chế tài chính trên toàn cầu.

Những doanh nghiệp hướng đến thị trường vốn quốc tế đều phải xem IR là một hướng đi đặc biệt quan trọng. Novaland, chẳng hạn, đã có nhiều khoản vay trái phiếu trăm triệu USD từ nước ngoài. “IR đóng vai trò là cầu nối thông tin vững chắc kết nối Tập đoàn và các nhà đầu tư tiềm năng”, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ Nhà đầu tư  của Novaland, cho biết.

Việc phát triển hoạt động IR được xem là một vũ khí giúp doanh nghiệp phần nào tạo ra sự khác biệt trong ngành để từ đó thu hút được nguồn vốn hữu hạn trên thị trường. Tuy nhiên, tương lai của IR thay đổi tùy theo nhu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và Việt Nam cũng chịu áp lực không nhỏ. Đáng chú ý, ESG (môi trường - xã hội – quản trị) hiện là tiêu chuẩn được dùng để đánh giá công ty khá phổ biến với các quỹ đầu tư ngoại, bên cạnh các yếu tố kinh doanh phổ biến thông thường. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức, thuộc SSI, có đến khoảng 60% dòng vốn quốc tế yêu cầu tiêu chuẩn này ở thị trường quốc tế. “Điều này cũng tạo lên áp lực thay đổi cho các công ty Việt Nam nếu muốn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại”, ông nói.

Một ví dụ điển hình khác là trường hợp của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital. Trong nhiều năm qua, ông Dominic Scriven, quản lý công ty này, đều đặn phát biểu về những tiêu chuẩn mới khi gọi vốn đầu tư từ thị trường quốc tế, với mục tiêu chung là doanh nghiệp phải “phát triển bền vững” chứ không chỉ đơn thuần là “kiếm tiền”. 

Tiềm năng gọi vốn từ thị trường Việt Nam còn rất lớn. Trên thực tế, Việt Nam cũng là thị trường chứng khoán có tỉ trọng lớn thứ 2 trong rổ MSCI Frontier Markets Index, có quy mô vốn hóa và giá trị giao dịch vượt một số thị trường đã được nâng hạng lên mới nổi. Chưa kể đến các chính sách mới sẽ giúp thị trường cởi mở hơn nhằm hút dòng vốn ngoại và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vẫn đang được xếp vào nhóm kỳ vọng cao. Do đó, song hành cùng với các chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần đặt trọng tâm vào IR để xây dựng kế hoạch gọi vốn phù hợp với chiến lược tăng trưởng ngay từ bây giờ.

Phương Anh