Đổi thay ở Cư Elang

00:00 12/10/2020

Từ một vùng đất cằn cỗi, nghèo nàn nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn của cán bộ và nhân dân trên địa bàn, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân nơi đây đang từng ngày thay đổi.

Trung tâm xã Cư ELang

Cư ELang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Xã nằm cách trung tâm huyện hơn 25 km, có diện tích tự nhiên hơn 8.200 ha, dân số có gần 1.900 hộ, với hơn 8.400 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 75%. Đời sống của người dân xã Cư ELang chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đất đai trên địa bàn xã lại kém màu mỡ, khí hậu thường xuyên có những diễn biến bất thường. Do đó, việc làm và thu nhập của người dân địa phương còn rất bấp bênh, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã vẫn còn khá lớn. Ông Lê Quảng Dương, Bí thư Đảng ủy xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Điều kiện tự nhiên và xã hội có tính đặc thù như vậy đã có những ảnh hưởng rất nhiều đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy đối với công tác cán bộ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể BCH Đảng bộ, sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, buôn, đặc biệt là sự cần cù chịu thương, chịu khó của người dân trong lao động phát triển kinh tế, nên trong năm vừa qua xã đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ”.

Những năm gần đây, để nâng cao đời sống cho người dân, cùng với sự quan tâm về nhiều mặt của Đảng và Nhà nước, nhất là đầu tư nguồn vốn thông qua các chương trình 135; Dự án giảm nghèo bền vững vùng Tây Nguyên v.v... Đảng bộ xã Cư ELang đã đề ra nhiều nghị quyết sát với tình hình thực tế, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ xã, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ xã đến thôn, buôn đã có nhiều đổi mới. Chính quyền xã cũng đã đẩy mạnh việc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính để phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn. Trong phát triển kinh tế, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, nhờ có công trình hồ chứa Ea Rớt với dung tích chứa 16,7 triệu mét khối nước được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành từ cuối năm 2015 trên địa bàn, xã Cư ELang đã có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, trong đó có các loại cây có múi, như cam, quýt, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình tại địa phương. Ông Hoàng Văn Cảnh, người dân ở thôn 6B, xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích 2,2 ha đất của gia đình tôi chỉ dùng vào việc trồng sắn và trồng ngô, nhưng hiệu quả không cao, nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng cây có múi thì 2 - 3 năm nay, đời sống của gia đình tôi đã có nhiều thay đổi. Mỗi năm, trừ chi phí rồi, gia đình tôi cũng thu được lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng. Bây giờ, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình ở thôn 6B và nhiều thôn khác cũng đã chuyển đổi đất trồng cây màu sang trồng cây cam, quýt và đã có đời sống khá giả”.

Từ khi có hồ chứa nước Ea Rớt, sản xuất nông nghiệp ở xã Cư ELang đã có nhiều thuận lợi

Theo lãnh đạo chính quyền xã Cư ELang, hiện nay, tổng diện tích đất trồng cây có múi trong xã đã lên gần 500 ha, trong đó diện tích cây cam, quýt chiếm hơn 280 ha. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây ở xã Cư ELang là một số hộ dân trồng cây ăn trái trên địa bàn xã đã cùng nhau liên kết lại thành lập ra một hợp tác xã nhằm làm cho sản phẩm cây ăn trái, nhất là cây có múi ngày càng có giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, để phát triển tiềm năng cây ăn trái của vùng đất Cư ELang theo hướng sản xuất an toàn, thời gian qua, xã Cư ELang cũng đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã triển khai mô hình sản xuất cam, quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp thương mại - dịch vụ vận tải Thành Công với diện tích 7,8 ha của 8 thành viên. Sau một thời gian triển khai thí điểm, mô hình cam, quýt  sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho năng suất ổn định, với tổng sản lượng sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 760 tấn. Sản phẩm làm ra thường được thương lái đồng ý mua cao hơn giá thị trường khoảng 1.000 đ/kg. “Một số hộ gia đình làm theo tiêu chuẩn Vietgap, có trình độ canh tác thì chất lượng cây trồng và thu nhập đều có sự nổi bật hơn so với nhiều hộ dân khác. Ví dụ như mặt bằng chung về thu nhập của người dân ở thôn 3 bây giờ chỉ vào khoảng tầm 9 triệu đồng/người/năm ... Nhưng với những người trồng cây cam, quýt hay bưởi da xanh với 1 ha trở lên mà làm theo đúng kỹ thuật thì có nhà cũng thu được trên 500 triệu và nếu thâm canh tốt thì có nhà cũng thu được cả tỷ đồng/năm” - Ông Đặng Quốc Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.

Nhờ phát triển đa dạng hóa cây trồng, nhất là tập trung lớn vào sản xuất các loại cây có múi, nên những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã ngày càng giảm xuống. Không ít hộ đã có đời sống khá hơn trước. Riêng ở thôn 3, năm 2017, thôn có 70% hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm xuống 40%. Nói về định hướng của xã trong thời gian tới, ông Lê Quảng Dương, Bí thư Đảng ủy xã Cư ELang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Để kinh tế của địa phương ngày càng phát triển ổn định và có chiều sâu thì chúng tôi cũng sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để ra Nghị quyết lãnh đạo, đồng thời chỉ đạo các chi bộ vận động người dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cấp và ngành cấp trên tiếp tục đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia vào địa bàn, đồng thời các chủ đầu tư cũng cần phải sớm hoàn thiện các dự án đang triển khai để đưa vào sử dụng nhằm mang lại hiệu quả để phục vụ đời sống cho người dân”.

Nhờ trồng cam, quýt mà nhiều gia đình ở xã Cư ELang đã thoát nghèo và đã có đời sống khá

Theo ông Đỗ Văn Hưu, Phó bí Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư ELang, thời gian qua, trong quá trình thực thi công vụ trên địa bàn, một số cán bộ xã có những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, giảm sút niềm tin trong nhân dân. Tuy những cán bộ có biểu hiện sai phạm không phải là đảng viên, nhưng trước những vấn đề đã xảy ra, Đảng bộ và chính quyền xã cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, sử dụng cán bộ trên địa bàn. Các cá nhân có biểu hiện sai phạm cũng đang được các cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, cùng với những quyết sách phù hợp để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Đảng bộ xã Cư Elang sẽ tập trung xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng và đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền ở cơ sở, đưa các nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực, nâng cao đời sống cho người dân.

Nguyễn Hiếu