Đọc cuốn sách “Lính bay II”, muốn khóc...

00:00 12/10/2020

So với “Lính bay” tập I, “Lính bay II” có nhiều trang đọc xong muốn khóc vì sự hy sinh thầm lặng của người lính không quân Việt Nam.

Cuốn sách dày 576 trang nội dung (Lính bay II - Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2018), tôi đọc một mạch mà không thấy chán.

Năm 2016, hồi ký “Lính bay” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Phú Thái ra mắt bạn đọc với số lượng 2.000 cuốn. Sau 3 tháng, phải in thêm 1.000 cuốn nữa mà vẫn không thoả mãn nhu cầu bạn đọc. Tác giả đã dành thời gian gần 2 năm nữa để cho ra mắt bạn đọc phần II tập hồi ký của mình.

“Lính bay I” mới hé lộ một phần chân dung và cuộc sống của những người phi công tiêm kích thuốc thế hệ đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam và dừng lại ở năm 1968, khi phi công Phạm Phú Thái được kết nạp vào Đảng. Không quân nhân dân Việt Nam cũng đã trải qua 3 năm chiến đấu với không quân Mỹ.

Trận chiến phía trước còn dài và còn khốc liệt hơn nhiều so với 3 năm trước đó.

                                                                  Bìa sách "Lính bay II".

Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quãng thời gian từ khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam (tháng 11/1968 đến tháng 4/1972), đối với nhiều người dân miền Bắc, là một thời gian yên ổn. Còn với những người lính không quân, được gọi là thời kỳ “hoà bình trong chiến tranh” gấp rút củng cố và phát triển lực lượng, luyện tập và luyện tập.

Nhưng có một thực tế “đến bây giờ mới được nói kỹ” rằng đây chính là thời kỳ những cánh én của không quân Việt Nam âm thầm làm nhiệm vụ: Đánh đuổi máy bay Mỹ xâm phạm không phận; chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào; tìm cách xua đuổi máy bay B52 khỏi các khu vực chiến lược, các chiến trường quan trọng; sẵn sàng sử dụng chiếc tiêm kích Mig 21 như một máy bay cường kích; mang bom, tên lửa chi viện cho các chiến dịch tiến công trên bộ…

Nói “âm thầm” là vì chiến đấu mà đa phần nhân dân không biết. Nói “âm thầm” là vì có những tổn thất chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Không quân Việt Nam chiến đấu “âm thầm” để bầu trời Bắc Việt Nam tạm yên tiếng súng cao xạ bắn máy bay. Để các đôi lứa yêu nhau yên ổn hưởng đêm tân hôn, hưởng tuần trăng mật. Bài thơ nổi tiếng về tình yêu của lứa đôi trong mùa hoa sữa ra đời vào thời kỳ này: “Hà Nội mùa này mùa hoa sữa/Anh đợi em góc đường Nguyễn Du/Hoa sữa thơm mùi thơm chờ đợi/Trăng đầu đông gợi trăng cuối thu”.

Trong cả hai tập “Lính bay” không thấy Phạm Phú Thái nhắc đến loài hoa của tình yêu thời chiến tranh này, mặc dù những trang viết của anh nhắc nhiều đến gió, mây, trăng, sao (những cảnh vật là bạn đồng hành với những chuyến bay). Chưa đến 17 tuổi đã nhập ngũ, sang Liên Xô học bay, trở về Việt Nam là lao vào luyện tập và chiến đấu. Sau 3 năm sống với những cánh bay và trận chiến mới được về phép thăm nhà. Còn thời gian đâu để Phạm Phú Thái biết đến “hoa sữa” Hà Nội.

Bởi vậy, tôi rất thích chương mở đầu cho “Lính bay II”: “Đi phép trên chuyến tầu thời chiến”. Ôi cái ga nhỏ Vĩnh Yên khi chàng thiếu uý không quân đẹp trai chen vào mua vé tầu. Một chút phiền phức khi người dân thường phát hiện những biểu hiện “nghi vấn” của anh bộ đội. Một cuộc đối thoại “lịch sự” với nhóm công an tuần tra… Sao tôi thích quang cảnh toa tầu hôm đó dưới cái nhìn của Phạm Phú Thái đến thế: dù lam lũ, nhếch nhác nhưng trên tầu toàn là những tấm lòng cao cả.

Và đây là giây phút thần tiên nhất: “Tôi… bật mở mắt, nhìn thẳng vào “đối tượng theo dõi” trước mặt thì phát hiện khuôn mặt đẹp đến thẫn thờ của một cô bé giấu trong chiếc nón luôn che nửa mặt dưới vỏ bọc một phụ nữ mặc áo bộ đội. Hai ánh mắt giao nhau trong một phần giây nhưng như bị thôi miên… Tôi tiếp tục kín đáo quan sát và nhận ra một “khuôn trăng đầy đặn”, trong sáng, tinh khiết của cô bé với đôi mắt mượt mà ngây thơ khi em bỏ chiếc nón che nửa mặt để đứng dậy cùng người phụ nữ lớn tuổi đồng hành, chuẩn bị xuống ga Việt Trì. Em ý tứ, kín đáo nhìn lại tôi như gửi lời tạm biệt trước khi xoay người đi ra phía cửa toa tàu. Tôi thẫn thờ nhìn theo cho tới khi bóng dáng ấy chìm dần vào dòng người xuống ga. Tôi thở dài thầm nghĩ, ước gì gặp lại em lần nữa trong đời”.

Trong buổi chiều 9/7/2018, tại nhà riêng Trung tướng Phạm Phú Thái, tôi đã không tò mò hỏi rằng “Anh có mang theo “khuôn trăng đầy đặn” ấy vào các trận chiến đấu ngày càng khốc liệt hơn những năm tháng sau đó không?”. Tự mình suy luận thôi vì cho đến khi Phạm Phú Thái gặp lại cô bé trên tàu hoả đó, người sau đó trở thành vợ anh, như trong hồi ký cho thấy, anh không dành cảm tình riêng cho một cô gái nào.

Đó là chân dung của một người lính.

Tôi thích cái chân dung này trong cái nhìn thoáng qua mà sâu sắc ấy. Lại nhớ câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”…

Đó chính là điều làm nên chất “thơ” của cuốn hồi ký. Còn lại, bạn đọc có thể thấy cả một biên niên sử của các trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta, với Mig 17, Mig 19 và Mig 21. Từ chuyện đem máy bay đi giấu trên đất Trung Quốc đến chuyện thí nghiệm dùng tên lửa bổ trợ để Mig 21 cất cánh trên đường băng ngắn. Và những trận đánh. Có trận thắng giòn giã, ta an toàn quay về. Có những trận cả biên đội bị bắn rơi… Những dằn vặt về lối đánh, về chỉ huy trận đánh…

“Lính bay II” có nhiều chương tập trung khắc hoạ từng gương mặt phi công tiêu biểu, bạn chiến đấu của Phạm Phú Thái. Từ trung đoàn trưởng Trần Mạnh, các phi công Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát đến Phạm Tuân rồi Võ Sỹ Giáp, Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Xuân Huy… Có người chỉ bằng vài dòng, Phạm Phú Thái đã gợi được cả một cá tính. Nhưng có những người tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong đó sâu sắc hơn cả, kỹ lưỡng hơn cả là những “số 2” bay cùng “số 1” Phạm Phú Thái.

Trong cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ hai, không quân Việt Nam đã chống lại một đối thủ có sự thay đổi về chất trong các phương tiện chiến tranh, lại luôn luôn biết rút kinh nghiệm cho từng trận đánh. Trong lúc pháo cao xạ, tên lửa bị phân tán lực lượng vì phải chi viện cho chiến trường, Không quân nhân dân Việt Nam đã gồng mình lên chiến đấu. Và ta đã thắng trong trận chiến đấu khốc liệt này. “Lính bay II” đã thống kê, đã mô tả tỉ mỉ từng trận đánh, từng biên đội đánh, từng phi công đánh. Thoạt đầu tưởng rất khô khan, khó đọc. Nhưng sự hấp dẫn, lôi cuốn lại chính từ những “biên niên sử sáng chói” ấy.

Tôi chia sẻ với Phạm Phú Thái những trang hồi ký của anh về ấn tượng lần đầu được đặt chân đến Tổng hành dinh (Nhà con rồng) trong thành Hà Nội: “Đi trong sự u tịch thanh khiết và cảm giác linh thiêng ấy mà tôi đâu biết hàng nghìn, hàng trăm năm trước, nơi này thực sự là chốn thiêng liêng không mấy ai được vào”. Rồi những trải nghiệm khi nghe Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo tác chiến không quân.

Khi viết hồi ký “Lính bay”, Phạm Phú Thái đã đeo quân hàm Trung tướng, đã từng là Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Ông đã đọc hàng nghìn trang tài liệu, hàng trăm cuốn sổ tay chiến đấ , trong đó có những trang viết tốc ký ghi lại toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy quân chủng tháng 6/1972. Ông đã gặp hầu hết các nhân chứng còn sống để trao đổi một chi tiết, một sự kiện.

Viết về trận chiến đấu ngày 10/5/1972 (trong đó Không quân ta bắn rơi 7 máy bay Mỹ nhưng cũng tổn thất 7 chiếc, 6 phi công hy sinh), Phạm Phú Thái đã dành hẳn 1 tuần đọc, nghiên cứu tài liệu của cả 2 phía. Tôi đã thử làm một kiểm tra nhỏ độ chính xác trong một chi tiết ông viết: “Giáp (Võ Sỹ Giáp) chui ra khỏi màn theo tôi bước ra ngoài cửa hầm, mở cánh cửa của căn nhà lá bước ra sân. Bầu không khí mát mẻ đầu hè ùa vào hai lá phổi, mơn man trên khuôn mặt thật dễ chịu. Trời tối, trăng cuối tháng chưa lên. Bầu trời thấp thoáng những ánh sao đêm” (trang 290 Lính bay II). Đó là đêm 7/5/1972. Tra lịch thế kỷ XX (NXB Văn hoá – Thông tin 1997) thấy ghi:  24 tháng 3 năm Nhâm Tý. Gặp ông, kể về chuyện này, ông nhận rằng sổ tay ghi chép của ông ghi vậy .

So với “Lính bay” tập I, “Lính bay II” có nhiều trang đọc xong muốn khóc vì sự hy sinh thầm lặng của người lính không quân Việt Nam. Những chuyến bay “cảm tử” chi viện cho chiến trường, những trận chiến không cân sức giữa một phi công Việt Nam với hàng chục máy bay Mỹ có vũ khí hiện đại hơn.

Trong đó có cuộc truy đuổi B52 vào đêm 10/8/1972 chi viện cho mặt trận Quảng Trị của phi công Nguyễn Ngọc Thiên, buộc B52 địch phải quay lui trước khi vào ném bom… Sử sách của cả trung đoàn, sư đoàn chỉ nói rằng đã gặp tai nạn trên đường về, phi công hy sinh… Thực ra là sau khi hoàn thành nhiệm vụ, khi quay về trong tình trạng dầu sắp cạn, máy bay của Nguyễn Ngọc Thiên đến khu vực Nam Đàn (Nghệ An) thì bị hai máy bay địch tấn công. Máy bay bị thương, buồng lái bị vỡ… Được lệnh nhảy dù nhưng Nguyễn Ngọc Thiên cố lái máy bay trở về. Máy bay của anh bị rơi ở vùng phía Bắc Bá Thước – Thanh Hoá.

Phạm Phú Thái viết: “Điều duy nhất có thể khẳng định được là với chiếc máy bay bị thương như vậy, buồng lái bị bắn vỡ ra như thế mà Thiên vẫn kiên cường điều khiển máy bay xuyên đêm tối, xuyên mây với mong muốn phải đưa bằng được máy bay về. Đó là sự thật. tình huống này nếu không phải người có lòng dũng cảm vô song, có tình yêu và quý trọng khôn cùng với tài sản quý giá của quân đội, của nhân dân để bất chấp hiểm nguy, quyết tâm đưa chiếc phi cơ yêu quý về sân bay, thì không dám làm...”.

Tôi chia sẻ với băn khoăn của Trung tướng Phạm Phú Thái: Dường như chúng ta đánh giá chưa đầy đủ ý nghĩa của chiến thắng trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc. Cuộc chiến trên mặt trận đối không được Đảng và Nhà nước chỉ đạo, dẫn dắt bằng cuộc chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, lấy quân chủng Phòng không Không quân làm nòng cốt là một cuộc chiến trang lạ lùng, có một không hai trên thế giới. Và đã đánh thắng dù chịu không ít mất mát hy sinh, tổn thất.

Trong sự chia sẻ ấy, càng thấy quý hơn những trang hồi ký nóng bỏng của phi công Phạm Phú Thái và các đồng đội của ông.

Trương Cộng Hòa