Doanh nhân Trần Lệ Nguyên: Sáng tạo, bài bản cũng phải cần đến uy tín - bởi nếu làm sai sẽ mang lại hậu quả rất lớn

16:44 02/05/2021

Bản lĩnh và tài lãnh đạo của ông Trần Lệ Nguyên – một trong những người sáng lập và điều hành Tập đoàn Kinh Đô (nay là Tập đoàn Kido), đã được chứng minh qua nhiều thương vụ M&A lớn. Việc đưa Kinh Đô từ một xưởng sản xuất bánh nhỏ trở thành công ty bánh kẹo lớn nhất nước, tiếp đến là việc mua lại kem Wall’s từ Unilever, sáp nhập Vinabico...

Trần Lệ Nguyên. Nguồn ảnh: Internet
Trần Lệ Nguyên. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Trần Lệ Nguyên là doanh nhân gốc Hoa, sinh ra tại Trung Quốc. Những năm 90, Trần Lệ Nguyên chỉ là một thanh niên làm việc ở xí nghiệp chế biến thực phẩm quận I (TP HCM). Nhìn bánh kẹo từ Thái Lan và các nước khu vực tràn ngập thị trường nội địa, giá lại đắt đỏ so với túi tiền người tiêu dùng, trong anh trỗi dậy ham muốn phát triển sự nghiệp ở ngành thực phẩm. 

Trần Lệ Nguyên trăn trở: "Vì sao họ làm được, còn mình lại không, trong khi mình có lợi thế sân nhà, thuận lợi trong nắm bắt thị hiếu, tâm lý khách hàng hơn?". Và anh đã thuyết phục được anh trai là Trần Kim Thành (hiện là Chủ tịch HĐQT KDC) cùng nhau dựng nghiệp riêng.

Quyết tâm, đam mê nhưng vốn lại quá ít ỏi, hai anh em phải thế chấp toàn bộ nhà cửa để vay ngân hàng, cộng với vay thêm bà con để nhập máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. "Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết", vị Tổng Giám đốc của Kinh Đô nhớ lại.

Trước khi khởi nghiệp, Trần Lệ Nguyên từng có nhiều năm học làm bánh thời trung học và 5 năm tại xí nghiệp chế biến thực phẩm. Thế nhưng, chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi khởi nghiệp.

Doanh nhân trẻ ngày nay được đào tạo bài bản hơn và có nhiều sáng tạo hơn hẳn thế hệ trước. Tuy nhiên, sáng tạo, bài bản cũng phải cần đến uy tín - bởi nếu làm sai sẽ mang lại hậu quả rất lớn.

Không chuyên trong ngành nghề thì sẽ không làm. Phải hết mình với công việc. Có say mê mới thâm nhập và khi làm thì phải bài bản. Tôi vẫn thường chia sẻ: người CEO phải say men như cầu thủ bóng đá. Say men chiến thắng với niềm đam mê và truyền văn hóa công ty đến cộng sự. Người lãnh đạo giỏi là người biết điều phối, gắn kết đội ngũ cộng sự của mình. Và hơn ai hết, họ phải biết cách sử dụng người tài, có tầm nhìn chiến lược và nhạy bén nắm bắt cơ hội.

Một doanh nghiệp, nếu muốn trường tồn thì phải đào tạo thế hệ kế thừa. Hiện nay, chúng tôi đang làm điều đó bằng cách tập trung đào tạo cho những nhân tài có năng lực thực sự . Phải có một đội ngũ giỏi đồng đều, phát huy được tính đồng đội thì nội lực công ty mới mạnh mẽ và doanh nghiệp mới vững bền. Tôi quan niệm, thuyền trưởng là người lái tàu, nhưng các nhân viên cũng phải cùng chèo thì mới vượt qua được sóng dữ.

Trong phần giới thiệu của Kido về CEO của mình, ông Trần Lệ Nguyên được biết đến với công lao mua lại nhà máy kem Wall's từ Unilever và đã lãnh đạo phát triển ngành hàng này cho đến ngày nay. Ngoài ra, ông còn thành công trong việc thực hiện các thương vụ M&A khác của Kido. Ông Nguyên gắn bó với Kinh Đô từ năm 1992 và trở thành TGĐ từ đó đến nay. Trước đó, ông có 5 năm đảm nhiệm vai trò kỹ thuật sản xuất tại Cơ sở bánh ngọt Đô Thành và 2 năm làm kỹ thuật sản xuất tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm Quận 1.

Tập đoàn Kido được sáng lập bởi nhóm cổ đông là 2 cặp vợ chồng gồm: Ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm, cả 4 người đều là doanh nhân gốc Hoa, sinh ra tại Trung Quốc, và một thành viên khác là ông Wang Ching Hua.

TH