Doanh nhân Phạm Thị Huân: Tôi muốn dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì nuối tiếc

09:50 31/03/2021

Doanh nhân Phạm Thị Huân là người đã đi tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Doanh nhân Phạm Thị Huân
Doanh nhân Phạm Thị Huân. (Nguồn ảnh: Internet)

Tạo cơ nghiệp từ quả trứng

Doanh nhân Phạm Thị Huân sinh năm 1954 tại huyện Châu Thành, Long An, trong gia đình có tới 8 anh chị em. Khi đất nước còn chưa thống nhất, bà Ba Huân đã sớm phải theo cha mẹ bươn chải với gánh hàng trứng kẽo kịt từ khi còn tấm bé. Đến 16 tuổi thì bà chính thức được mẹ tin tưởng giao cho nghiệp kinh doanh “gia truyền”, với lời dặn dò “kiến tha lâu thì đầy tổ”. 

"Quê mình là làng nghèo nhất của huyện Châu Thành, Long An, những trái trứng vỡ, trứng ung đã nuôi dưỡng tám chị em thành người. Tôi nhớ mãi đôi vai oằn đi vì gánh gồng của mẹ, đôi bàn chân choãi rộng vì phải bấm chặt vào đất những ngày mưa, vì té ngã sẽ tiêu tan sản nghiệp. Dù chỉ học hết lớp 5 phải bỏ học phụ mẹ nuôi em, nhưng mẹ luôn dạy tôi phải học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học từ chính người nông dân lam lũ để biết ăn ở với chồng con cho phải đạo… 

40 năm gắn bó với nghề trứng, mẹ để lại cho tôi chiếc ghe bầu xuôi ngược cùng những đàn vịt chạy đồng khắp Kiên Giang, An Giang… Từ đó, tôi gầy dựng nên thương hiệu Ba Huân. Đời tôi với con gà, con vịt rất gần gũi, nhưng đường con cái lại không trọn vẹn, nên tôi muốn dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì nuối tiếc", bà Phạm Thị Huân đã tổng kết đời mình trong một bài phỏng vấn năm 2016.

Vốn đi lên từ đồng quê nghèo, bà Ba Huân biết việc cạnh tranh với thương lái không hề dễ dàng. Chính vì vậy, bà chủ động tìm đến những vùng đất nuôi vịt chạy đồng khi ấy để “mua tận gốc, bán tận ngọn” mới có cơ hội thành công. Vốn ít nhưng luôn sòng phẳng và nghĩ cho lợi ích của nông dân, nên bà được mọi người tin tưởng giao trứng để bà đem đi buôn bán ngược xuôi khắp nơi.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ba Huân trở thành nhân viên kinh doanh của Công ty Thực phẩm Nông sản Kiên Giang. Cũng từ đây, nhờ sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc cũng như lợi thế về kinh nghiệm trong thu mua trứng, bà vừa nuôi được các em ăn học, vừa dành dụm được những đồng vốn đầu tiên để gây dựng nên doanh nghiệp trứng mang tên mình tại Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) năm 1985.

Việc buôn bán của bà mỗi ngày một thuận lợi khi vựa trứng Ba Huân cung cấp đến 30% sản lượng của toàn thành phố. 

Năm 2001, vựa trứng Ba Huân phát triển thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 nhân công. Lúc đó, thương hiệu Ba Huân đã trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng. Không những thế, sản phẩm trứng được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia, Singapore. 

Doanh nhân Ba Huân là người đã đi tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Doanh nhân Ba Huân là người đã đi tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 Đón đầu công nghệ

Công ty được thành lập chưa lâu thì năm 2003 đại dịch cúm gia cầm xảy ra khiến nhiều nông dân điêu đứng, doanh nghiệp của bà Ba Huân cũng chịu thiệt hại nặng nề. Trong tình cảnh khó khăn ấy, thay vì chọn rẽ sang một hướng kinh doanh mới, bà đã quyết định đến tận các cánh đồng miền Tây để nắm bắt tình hình. Nhìn cảnh người nông dân cơ cực, rơi những giọt nước mắt cay đắng lo sợ bà bỏ nghề thì cuộc sống của họ sẽ càng khó khăn hơn, tấm lòng trắc ẩn của nữ doanh nhân xuất thân từ nông dân càng thêm phần day dứt.

Trở về, bà quyết định tìm đến những quốc gia phát triển để “cứu” nông dân mình. Từ Trung Quốc, Australia, Mỹ… bà đã chọn cho mình được đối tác về thiết bị xử lí trứng sạch hàng đầu thế giới là Tập đoàn Moba (Hà Lan). Sau chuyến đi ấy, bà quyết tâm phải mua bằng được dây chuyền hiện đại dẫu buộc phải đánh “cược” một phen lớn khi phải bán bớt nhà xưởng, vay mượn… khiến nhiều người bất ngờ. Ngày nhìn thấy lá cờ Việt Nam được treo tại Tập đoàn Moba, sau khi ký hợp đồng bà đã khóc, xen lẫn sự tự hào dân tộc và niềm tin sẽ đem lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, giúp đỡ nông dân tránh bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Từ đây, dây chuyền xử lý trứng trị giá 650.000 Euro với công suất 65000 trứng/giờ được đưa vào sử dụng và ngày càng đem lại xu hướng tiêu dùng mới, đánh dấu việc hiện đại hóa trong ngành chăn nuôi gia cầm. 3 năm sau, bà lại quyết định nhập thêm dây chuyền thứ 2 với công suất 120.000 quả/giờ, nâng tổng công suất lên 185.000 trứng/giờ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tiêu thụ trứng của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Hiện Công ty Ba Huân đã có hai nhà máy xử lý trứng sạch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với tổng công suất 300.000 trứng/giờ. Qua nghiên cứu và thử nghiệm khoa học cho thấy, sản phẩm trứng được xử và diệt khuẩn bằng tia UV đã tiêu diệt 99,9% các vi khuẩn có hại trên trứng và làm se khít các lỗ thông khí trên vỏ trứng, tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong trứng, vừa không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chất lượng của trứng mà giá thành lại chỉ ngang bằng những sản phẩm chưa qua xử lý an toàn.

Thành công đó chứng tỏ sự nhạy bén trong kinh doanh và miệt mài, chịu khó học hỏi của một người chưa học hết tiểu học nhưng lại luôn khát khao được làm việc và nghĩ đến lợi ích cho cộng đồng.

Là doanh nhân từng có kinh nghiệm đương đầu với nhiều khó khăn, bà Ba Huân nhận thấy rõ việc cần phải phát triển hơn nữa công nghệ hiện đại vào sản xuất  sạch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại của nông dân và doanh nghiệp do dịch bệnh. Bởi vậy, một quy trình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” theo tiêu chuẩn công nghệ cao đã được ra đời với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng, trang trại gà lấy thịt và nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy xử lý trứng, nhà máy thực phẩm - Đánh dấu bước đột phá lớn trong phát triển nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2009 - 2019, Công ty Cổ phần Ba Huân luôn đảm bảo doanh thu 120% năm, nộp thuế và các khoản thu khác đạt tỉ lệ 160% so với đăng ký và nộp ngân sách tăng trên 160% năm so với nhiều năm.

Ngoài nhà máy xử lý trứng ở Nhân Tân, Bình Chánh được xây dựng năm 2006, Công ty TNHH Ba Huân còn có trại chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương với diện tích 18ha, mức đầu tư 320 tỷ đồng được hình thành từ 2012. Hiện công ty đã và đang đầu tư cho các nhà máy xử lý trứng ở Bình Dương và Phú Thọ. Ngoài ra, công ty còn có nhà máy thực phẩm ở Long An sản xuất thịt gà, xúc xích, lạp xưởng và bánh flan. Công ty đã phải mất 4 năm khảo sát để hoàn thiện kế hoạch mở rộng thị trường ở phía Bắc. Tại Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Ba Huấn có khoảng 1.000 cửa hàng kinh doanh đảm bảo việc phân phối sản phẩm rộng khắp và chiếm giữ thị phần 50% tại thành phố.

Bà Phạm Thị Huân chia sẻ: “Đời tôi với con gà, con vịt rất gần gũi, nhưng đường con cái lại không trọn vẹn, nên tôi muốn dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì nuối tiếc.” Trước mắt, Ba Huân sẽ không tiến đến cổ phần hóa doanh nghiệp để đảm bảo quyền, lợi ích và tiêu chí mà công ty đã đặt ra là đồng hành cùng lợi ích của người nông dân. 

Nói về tham vọng của Ba Huân trong tương lai, bà khẳng định những nỗ lực của bà không phải là để làm cho Ba Huân lớn hơn, giàu hơn, mà làm sao chia sẻ được với cộng đồng những hình thức, cách làm bền vững.

 TH