Doanh nhân Ngô Chí Dũng từ bán mỳ gói đến chủ ngân hàng

17:07 10/03/2021

Ít ai biết rằng trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng từng khởi nghiệp với “trùm” mì tôm tại Nga - Đặng Khắc Vỹ (ông chủ Ngân hàng Quốc tế).

 

Doanh nhân Ngô Chí Dũng
Doanh nhân Ngô Chí Dũng. (Ảnh: Internet)

Khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ gói

Ông Ngô Chí Dũng là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 25/09/1968 tại Hà Nội hiện là Chủ tịch VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) từ 16/03/2010 đến nay.

Vào năm 1986, khi mới 18 tuổi  như bao thế hệ học sinh trước đó, ông qua Liên Xô du học. Giai đoạn từ 1992- 1996 vừa học tập, ông vừa kinh doanh. Thủ đô Matxcơva của Liên Bang Nga là nơi ông chọn để khởi nghiệp.

Có một sự trùng hợp khá thú vị là Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng như nhiều ông chủ ngân hàng khác, ông chủ các tập đoàn lớn ở Việt Nam sau này đa số đều xuất thân từ Đông Âu và kinh doanh mỳ tôm.

Nếu như cặp bài trùng Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup và Lê Viết Lam – Chủ tịch Sun Group gây dựng lên “đế chế mỳ tôm” tại Ucraina thì cặp đôi Đặng Khắc Vỹ – Ngô Chí Dũng chiếm lĩnh thị trường rộng lớn của Liên bang Nga.

Công ty Rolton của ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng thậm chí còn thắng trận trong “cuộc chiến mỳ tôm” tại Nga với hai “ông trùm” khác là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – những người sáng lập Masan và là một trong số ít cặp “đại gia Đông Âu” vẫn còn kinh doanh mỳ gói.

Chính ông Trịnh Thanh Huy- người đã cùng với Nguyễn Đăng Quang sáng lập Tập đoàn Masan chuyên về mì ăn liền và hàng tiêu dùng tại Nga, kể lại: Thời kỳ đó, Masan cạnh tranh rất khốc liệt với Công ty Rollton cũng chuyên về mì gói do Đặng Khắc Vỹ (hiện là Chủ tịch Ngân hàng VIB) và Ngô Chí Dũng (hiện là Chủ tịch Ngân hàng VPBank) thành lập, cùng Technocom do Phạm Nhật Vượng (Vingroup) thành lập.

Khi đó, hai thương hiệu do liên minh Vỹ & Dũng chiếm lĩnh thị trường Nga, còn của Phạm Nhật Vượng thành lập nắm giữ thị trường mì tôm tại Ukraina. Cạnh tranh khốc liệt về giá, cuối cùng, 3 thương hiệu này ngồi lại với nhau và thiết lập quy tắc: không giành giật nhân viên, cạnh tranh lành mạnh, không liên minh về giá. Chính sự “thua trận” tại Nga này khiến cho Masan về Việt Nam và phát triển tại thị trường này.

Công ty Rollton thuộc Tập đoàn Future Generation Group (FG), thành lập năm 1998, là một “thương hiệu” của người Việt do ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng sáng lập, khá nổi tiếng và được ưa chuộng trên thị trường thực phẩm Liên bang Nga. 

(Ảnh: Internet)

Từ năm 2008, Rollton đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt sống và làm việc tại Nga, cũng như nhiều người Nga. Và đến năm 2012, trong đại hội khóa VI, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga diễn ra ở Matxcova, các doanh nghiệp đánh giá, nhà máy sản xuất mì ăn liền Rollton – sản phẩm được người Nga ưa chuộng đã tạo ra công ăn việc làm cho không chỉ người Việt mà còn mấy nghìn người Nga, và đây là thành công đáng khích lệ.

Hành trình trở về Việt Nam lập nghiệp

Từ nền tảng tích lũy ban đầu ấy và những bài học xương máu thời “tranh tối tranh sáng” ở các nước Liên Xô cũ, họ trở lại cố quốc, lập nghiệp, phát triển và vươn lên thành nhóm đại gia máu mặt nhất. Việt Nam lúc họ về, nền kinh tế bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường – một thời kỳ vàng cho các cơ hội kinh doanh, mà họ hẳn rất rõ sau những gì đã chứng kiến ở trời Âu.

Hầu hết đoạn tuyệt với “nghề” cũ. Nguồn tiền mang về từ Đông Âu được họ rót vào những kênh đầu tư màu mỡ nhất, như bất động sản, tài chính – ngân hàng,…

Khi trở về nước, cặp đôi Vỹ – Dũng tiếp tục đồng hành và đồng sáng lập Ngân hàng Quốc tế VIB. 

Năm 2006, ông Ngô Chí Dũng "chia tay" người bạn kinh doanh lâu năm và bắt tay với những người từng là đối thủ ở Nga là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh để trở thành Phó Chủ tịch Techcombank.

Trước khi đầu tư lớn và trở thành ông chủ của Ngân hàng VPBank, ông Dũng là Chủ tịch Hội người Việt tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, sau khi chính thức được bầu làm Chủ tịch VPBank từ ngày 16/03/2010, đầu năm 2011, ông Ngô Chí Dũng xin từ nhiệm chức Chủ tịch Hội người Việt ở Nga với lý do đã chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc. Tập trung toàn lực vào tái cấu trúc và xây dựng VPBank.

Chỉ đến khi ông Ngô Chí Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank vào năm 2010 thì ông thực sự mới có lãnh địa riêng và tạo nên “cuộc cách mạng” trong kinh doanh ngân hàng này. Đây cũng là năm ngân hàng chính thức mang thương hiệu mới là VPBank và thành lập bộ phận Tín dụng tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit cực kỳ nổi tiếng sau này.

Trước thời điểm ông Dũng soán ngôi vị cao nhất VPBank, đã có cuộc giành giật quyết liệt quyền kiểm soát ngân hàng này giữa nhóm cổ đông cũ và mới, đều thành danh từ kinh doanh ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Nhưng cuối cùng, nhóm cổ đông mới là ông Dũng đã chiến thắng, từ đó tạo bước ngoặt cho VPBank về sau.

Ngay sau khi trở thành ông chủ quyền lực nhất VPBank, ông Dũng đã tiến hành một cuộc cách mạng về thương hiệu. Tên được đổi từ Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Cùng với đó là logo, biển hiệu được thay đổi, năng động hơn, hướng tới một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ chất lượng cao và không giấu giếm tham vọng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu.

Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 12/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.456 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lúc đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất khó khăn, giá phát hành lại cao nhưng khoản “tiền tươi thóc thật” ông Dũng bỏ ra để mua cổ phần đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng xuống tiền.

Thành công tiếp theo của ông Dũng là thuyết phục được người đồng nghiệp từng làm ở Techcombank là Nguyễn Đức Vinh về với VPBank vào năm 2012. Lúc đó, ông Vinh là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank và là người ‘có số má’ trong lĩnh vực ngân hàng với khoản lương triệu đô.

Cặp bài trùng Ngô Chí Dũng – Nguyễn Đức Vinh đã ‘song kiếm hợp bích’, tạo nên làn gió mới cho VPBank. Thay vì lựa chọn an toàn, VPBank lại kinh doanh các hoạt động rủi ro cao là cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit.

Nhưng rủi ro cao thì mang lại lợi nhuận cao và trong những năm gần đây FE Credit là ‘con gà đẻ trứng vàng’, mang lại phần lớn lợi nhuận cho VPBank.

 TH