Doanh nghiệp xã hội bị phạt tiền khi không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động

09:19 03/11/2022

Mục tiêu của doanh nghiệp xã hội hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu. Quá trình hoạt động mà doanh nghiệp xã hội không duy trì được mục tiêu hoạt động ban đầu mức xử lý thế nào?

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận hay tối thiểu hóa đầu tư. Sở dĩ nói vậy là vì loại hình này mang đầy đủ đặc tính của một doanh nghiệp nhưng mục đích thành lập và hoạt động là để giải quyết những tồn tại của xã hội, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội, vùng miền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận thu được từ những cuộc đấu giá, thiện nguyện, tình nguyện được "rót" vào những chương trình vì mục tiêu xã hội và môi trường. Để duy trì hoạt động của mình, các doanh nghiệp này phải thường xuyên vận động các nguồn tài trợ, sức người, sức của từ các tầng lớp trong xã hội.

Theo Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Tại khoản 1, Điều 10, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các tiêu chí để một doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp xã hội như sau:

Tiêu chí thành lập doanh nghiệp xã hội

Các tiêu chí cần phải được đáp ứng khi thành lập doanh nghiệp xã hội bao gồm:

– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020;

– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

– Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Vậy doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có các hình thức doanh nghiệp được quy định như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và phải có mục tiêu hoạt động hướng đến giải quyết vấn đề chung của xã hội, môi trường vì lợi ích chung. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

 Quyền của doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội cũng là doanh nghiệp nên có quyền chung với các doanh nghiệp khác và ngoài ra có quyền lợi đặc thù sau:

Doanh nghiệp là doanh nghiệp xã hội còn được hưởng các quyền lợi sau

Căn cứ theo khoản 2, Điều 10, Luật Doanh nghiệp 2020, ngoài những quyền và nghĩa vụ như những doanh nghiệp thông thường thì doanh nghiệp xã hội còn có những quyền và nghĩa vụ như sau:

- Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

- Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

- Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động;

- Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

- Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội là bắt buộc phải duy trì mục tiêu hoạt động của mình (giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng) trong suốt quá trình hoạt động.

Doanh nghiệp xã hội không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động của mình trong quá trình hoạt động sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Điều 60, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội như sau:

Vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội

 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký;

- Sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ được huy động;

- Không gửi cam kết, thông báo hoặc gửi cam kết, thông báo không đúng thời hạn tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có sự thay đổi nội dung, chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;

- Không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc bổ sung đủ vốn để tái đầu tư thực hiện mục tiêu đã đăng ký đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này;

- Buộc hoàn trả các khoản tài trợ được sử dụng không đúng mục đích đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này;

- Buộc gửi cam kết, thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định trong trường hợp không gửi cam kết, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này;

- Buộc thực hiện mục tiêu hoạt động và điều kiện theo quy định trong quá trình hoạt động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Lưu ý: theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, mức phạt trên được quy định đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp xã hội không thực hiện duy trì mục tiêu hoạt động là để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng trong suốt quá trình hoạt động thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, khi vi phạm thì doanh nghiệp xã hội còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện mục tiêu hoạt động như quy định.

 D.A (Tổng hợp)