Doanh nghiệp Việt Nam và “cú rơi chưa chạm đáy” của nền kinh tế sau đại dịch Covid 19

13:52 26/10/2020

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thói quen tiết kiệm, lo xa của người Việt sẽ giúp doanh nghiệp cầm cự được trong ngắn hạn sau thời điểm dịch covid-19, đồng thời cũng khiến cho tác động của khủng hoảng cũng đến chậm hơn một nhịp so với thế giới và khả năng phục hồi cũng diễn ra chậm hơn.

Tại talkshow “Giữa dòng sóng dữ” do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động chia sẻ: “Việt Nam mình khá thú vị. Thiên hạ “ngấm đòn” nhưng mình cứ tà tà sau đó mới “ngấm”. Thiên hạ thoát rồi mình sau đó mới thoát. Thành ra doanh nghiệp chưa ngấm đòn đâu”.

Khi dịch bệnh diễn ra, lệnh giãn cách xã hội được thực hiện, mọi nhu cầu tiêu dùng chỉ gói gọn trong chi phí sinh hoạt hàng ngày, thậm chí là tự cung tự cấp. Doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn mang tính giải pháp thời điểm như cắt giảm chi phí, giảm nhân công, cho công nhân nghỉ luân phiên, “work from home”  thậm chí tạm ngừng hoạt động. Đối với những doanh nghiệp chủ động được về nguồn tài chính thì tìm cách chuyển hướng sang một lĩnh vực khác.

Nhiều doanh nghiệp lại tìm được cho mình cơ hội mới, thậm chí là phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch. Họ thực sự biến nguy thành cơ, điển hình như Y tế - sức khỏe với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và điều trị trước tình hình có nguy cơ tăng cao của sự xuất hiện nhiều căn bệnh mới lạ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp như vậy thực sự không nhiều.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến hết tháng 6/2020, có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bao gồm 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.

 

Biểu đồ thống kê các mức độ thay đổi trong doanh thu của doanh nghiệp Việt Nam nếu dịch Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng.

Số doanh nghiệp giải thể tỷ lệ thuận với số người thất nghiệp tăng lên, nhu cầu tiêu dùng giảm, thị trường kém sôi động, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Điều này khiến cho các chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn, tạo nên “hiệu ứng domino” - là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ thống có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính - trong kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Tài: “Trong giai đoạn dịch bệnh, thậm chí đến hết năm nay và năm sau, tổng cầu sẽ sụt giảm. Hiệu ứng domino sẽ xảy ra. Các kỳ vọng về nguồn lực đầu tư từ nước ngoài đổ về thúc đẩy tổng cầu tăng, công ăn việc làm tăng lại, đầu tư công... sẽ giúp được phần nào. Còn nếu không, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước”.

 

Hiệu ứng Domino sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng thay đổi tuyến tính

Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng như: Mở gói tài chính 28.000 tỷ đồng và gói 62.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho doanh nghiệp. Nhiều hội nghị xúc tiến thương mại trong tất cả các lĩnh vực được tổ chức thường xuyên, phát triển thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm công, nông nghiệp của doanh nghiệp Việt… Tuy nhiên, đứng trước “hiệu ứng Domino” của Covid-19, sự chênh lệch trong cán cân kinh tế giữa các ngành xảy ra là điều tất yếu và dường như khó có DN nào là thực sự có doanh thu trong thời điểm này.

Theo báo cáo Khủng hoảng Covid-19: Tác động và tiềm năng phục hồi chỉ ra rằng 89% doanh nghiệp dự đoán doanh thu sẽ giảm không dưới 20%. Trong đó có tới 60.2% doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại hơn 50% - một con số khổng lồ so với mọi quy mô doanh nghiệp. Khi đó, sẽ chỉ có 1.8% doanh nghiệp vẫn giữ được tình trạng tích cực. Theo khảo sát, đây thường là những công ty sản xuất và cung cấp nguyên liệu, vật tư cho thị trường nội địa.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự “ngấm đòn” từ đại dịch hay chưa? Khi nào thì nền kinh tế sẽ được phục hồi? Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong “vùng rơi” chứ chưa chạm đáy, mà sau khi chạm đáy thì nền kinh tế mới chuyển sang giai đoạn hồi phục”.

Theo quan sát của ông, hiện nay doanh nghiệp vẫn đang gồng mình lên để chống chọi, cầm cự bằng nhiều các biện pháp khác nhau, hoạt động cầm chừng nhằm giữ chân người lao động bằng các đơn hàng có sẵn từ trước và nguồn nguyên nhiên liệu dự trữ. Tuy nhiên, tình trạng đó không thể kéo dài.

Cách Làm Bánh Mì Thanh Long “Giải Cứu” Nông Dân Mùa Dịch Corona

 

Sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đáp ứng thị hiếu của khách hàng là một hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh Bánh mì được sản xuất từ quả Thanh long (Ảnh internet)

Ở góc độ vĩ mô, đặc điểm kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang diễn biến theo chiều rộng, nghĩa là mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, tăng quy mô sản xuất nhưng năng suất thì không tăng. Vì vậy, bệnh dịch kéo dài đồng nghĩa với việc quá trình phục hồi cho các doanh nghiệp sau dịch bệnh sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn. Những nhân sự đã bị cắt giảm trong mùa dịch cũng rất khó có thể tìm được công việc mới khi các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục cắt giảm chi phí vận hành ở mức tối thiểu nhằm duy trì dòng tiền và hạn chế mọi nguy cơ nợ xấu. Quá trình cầm cự của doanh nghiệp khiến cho thời gian “chạm đáy” khủng hoảng của nền kinh tế cũng kéo dài hơn.

Covid-19 không chỉ “tung những cú giáng mạnh” vào một lĩnh vực cụ thể nào mà nó ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước. Chính phủ Việt Nam với những biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh sớm, rút ngắn thời gian chịu tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế, tạo tiền đề thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự chuyển sang khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cần tìm cho mình một hướng đi riêng, đáp ứng được xu thế chung nhu cầu của thị trường sau đại dịch để có những thay đổi phù hợp. 

Linh Hương