Doanh nghiệp Việt có thể “mất trắng” nếu không quan tâm đến sở hữu trí tuệ

00:00 12/10/2020

Trong quá trình hội nhập, việc thiếu quan tâm đến sở hữu trí tuệ cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang “cản bước” nhiều doanh nghiệp tiến vào các thị trường lớn, đặc biệt là tận dụng được những cơ hội từ hai hiệp định thương mại tự do là CPTPP và EVFTA. Với mức độ cam kết cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) như hiện nay trong các Hiệp định hợp tác, thách thức tạo ra cho các các doanh nghiệp trong quá trình thực thi là vô cùng lớn.

Cơ hội của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định là rất lớn song thách thức về quyền SHTT đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt

Cơ hội mở ra cho Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay được đánh giá là hai hiệp định chất lượng cao và được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam. 

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho biết: “Sau hơn 01 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã giúp ích rất nhiều cho Việt Nam, về cơ bản, những kỳ vọng đặt ra đã đạt được. Về EVFTA, Việt Nam đặt kỳ vọng rất nhiều vì đây là thị trường lớn. Cụ thể, xuất khẩu vào EU dự báo tăng 42,7% vào 2025, 44,4% vào 2030; đầu tư từ EU, các nước khác gia tăng để tận dụng EVFTA; cải cách thể chế tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các cam kết của hiệp định; EVFTA có tác động lớn đến xã hội, dự kiến tạo ra 146.000 việc làm/năm”.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA mang lại những cơ hội xuất khẩu lớn cho Việt Nam với những mặt hàng như: dệt may, da giầy, nông sản, đồ gỗ… Khả năng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng lên nhưng ở mức độ thấp hơn là 15,28% vào năm 2020; 33,05% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định. 

Theo ông, về nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa nguyên vật liệu từ EU với chất lượng cao và ổn định, mức giá hợp lý. Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội nhập khẩu các máy móc, thiết bị công nghệ kỹ thuật cao nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm quốc nội.

Có thể nhận định rằng cơ hội từ hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới rất rộng mở. Cơ hội lớn nhất là xuất khẩu; nâng cao thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu; hơn hết là cơ hội để làm ăn một cách minh bạch, giúp các doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu của mình ở tầm quốc tế và trong nước một cách vững chắc. Cuối cùng chính là cơ hội cho người Việt tiếp cận với những hàng hóa, các thiết bị dùng cho sản xuất và tiêu dùng với chất lượng cao, giá cả hợp lý, tránh được việc mua phải hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền SHTT.

Một trong những vấn đề nan giải đang tạo ra cho doanh nghiệp khi tham gia các Hiệp định hợp tác chính là vấn đề vể sở hữu trí tuệ

Rào cản lớn trong nhận thức 

Rõ ràng, khi tham gia CPTTP và EVFTA là chúng ta đã bước vào một sân chơi lớn, một sân chơi chất lượng cao, chúng ta chấp nhận đến với các khó khăn thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Một trong những vấn đề nan giải đang tạo ra cho doanh nghiệp thời điểm này chính là vấn đề về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế hiện này, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà công nghệ, các nhà phát minh sáng chế, các doanh nhân, doanh nghiệp luôn thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm và kinh doanh,... đều ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Trong khi đó SHTT lại là vấn đề sống còn của các đổi mới sáng tạo, vốn là động lực tăng trưởng chính trong việc phát triển doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều bài học về các sản phẩm có chất lượng rất cao, đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế, nhưng lại mất trắng quyền SHTT của mình. Chính vì thế, SHTT luôn là một trong những nội dung quan trọng của các FTA song phương và đa phương.

Bàn về vấn đề này, TS Võ Trí Thành đánh giá: “Hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, phạm vi điều chỉnh bao trùm nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong hai hiệp định này sâu hơn đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. 

Khi Việt Nam gia nhập thương mại thế giới sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội thuận lợi từ thị trường chung mang tính toàn cầu. Song song với những cơ hội có được, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với những thách thức lớn. Đó là sự cạnh tranh gay gắt và rộng hơn, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Chúng ta đều biết, EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới. Bởi lẽ đó, nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ rất cao và được thực hiện nghiêm ngặt. Chưa hết, EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Theo ông Trịnh Minh Giang – Chủ tịch VMCG, sáng lập Strategy Academy nhận định, có ba khó khăn lớn mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện: Thứ nhất, các sản phẩm mang nhãn hiệu/ sáng chế/kiểu dáng công nghiệp Việt Nam đều phải được đăng kí bảo hộ độc quyền chỉ tại EU. Tuy nhiên mức chi phí đăng kí tại EU lại khá cao, thủ tục đăng ký khá phức tạp với điều kiện để được bảo hộ khắt khe khiến các doanh nghiệp còn e dè tính toán để thực hiện công việc này.

Thứ hai, các doanh nghiệp/cá nhân Việt Nam còn phải chịu sức ép cạnh tranh lớn trên chính thị trường nội địa của mình về mặt chất lượng sản phẩm/dịch vụ cũng như việc xây dựng chiến lược bảo vệ, marketing các đối tượng nhãn hiệu/ sáng chế/ kiểu dáng công nghiệp để cạnh tranh với các sản phẩm từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thường sính ngoại, điều này sẽ khiến cho các thương hiệu dễ được ưa chuộng và từ đó tạo sức ép để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh với các thương hiệu tại nước ngoài

Thách thức thứ ba nằm ở hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam với cơ chế xử lý xâm phạm còn yếu; cũng như thủ tục, thời gian đăng ký nhãn hiệu khá dài, điều này cản trở các doanh nghiệp trong cũng như người nước thực hiện các thủ tục và bảo vệ thực thi quyền tại Việt Nam.

Vấn đề về chỉ dẫn địa lý đối với hàng hoá là rất quan trọng vì đây là thế mạnh cũng như yếu tố nòng cốt để hàng Việt Nam có thể nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Đứng trước những cơ hội và thách thức đặt ra, các doanh nghiệp chủ thể quyền và đại diện sở hữu trí tuệ phải thay đổi nhận thức, nhận biết được các quyền mới và tham gia mạnh hơn vào quá trình nội luật hoá. Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong CPTPP và EVFTA có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững

ThS. Vũ Xuân Trường – Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

ThS. Vũ Xuân Trường – Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh:

“Đầu tiên, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế, phối hợp đồng bộ từ nhiều bên để xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cần “đột phá” trong khâu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, Nhà nước, Viện nghiên cứu, các trường đại học là “ba đỉnh của một tam giác đều”. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Cuối cùng, cần nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định CPTTP & EVFTA với các nước, các điều kiện ràng buộc về sở hữu trí tuệ nâng cao hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn”

Bảo Trinh