Doanh nghiệp vận tải rối rắm nhiều mối lo kiểu như ‘biển số vàng’

00:00 12/10/2020

Hơn 1,6 triệu xe kinh danh vận tải đổi sang biển số màu vàng được cho là hợp lý để tiện bề quản lý, nhưng phát sinh chi phí, thời gian cho doanh nghiệp (DN) vận tải đang lúc rất khó khăn. Rối rắm mối lo gia tăng từ những quy định mới trong lĩnh vực vận tải là điều mà DN ngại nhất trong lúc này.

Một số ý kiến cho rằng, 1,6 triệu xe kinh doanh vận tải chỉ tính giá đổi biển 150.000 đồng/xe thôi cũng sẽ tiêu tốn đến 240 tỷ đồng. Khoản chi phí này có thể chẳng là bao nhiêu so với doanh thu của các DN vận tải lúc ăn nên làm ra, quy định như vậy thậm chí còn tốt cho DN để cạnh tranh bình đẳng.

Lo tốn kém chi phí

Thế nhưng, trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đây lại là số tiền không hề nhỏ. Chưa tính đến việc các tài xế phải mất một ngày nghỉ để lo cho việc đổi màu biển số xe.

HINH-9527-1594635910.jpg

DN kinh doanh vận tải lo phát sinh nhiều chi phí từ những quy định mới

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, tỏ ra băn khoăn trước việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải bằng màu sắc biển số, trong khi đây là thời điểm mà Nhà nước cần quản lý bằng công nghệ 4.0. 

Theo ông Liên, những lo lắng của DN vận tải về phiền hà, lãng phí từ yêu cầu đổi màu biển số xe là có thật. Và liệu quy định này có thực sự giải quyết được những vấn đề trong công tác quản lý không thì phải tính toán thật kỹ.

"Trong khi đó, với công nghệ hiện nay, việc phân biệt, quản lý các xe hoạt động kinh doanh vận tải không có gì khó, trong khi đổi màu biển số xe có thể gây tốn kém lãng phí, rối rắm", một chuyên gia bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Tính, một chủ DN kinh doanh vận tải khẳng định: "Nếu là tôi thì chỉ cần một cái nhấn trên điện thoại thông minh (smartphone) là hiện tất tần tật nguyên hình lịch sử chiếc xe, lý lịch, chức năng, nhãn hiệu, chủ sở hữu, thời hạn lưu hành…".

Mặt khác, một số cá nhân đang kinh doanh vận tải cũng tỏ ra băn khoăn là nếu sau này không kinh doanh vận tải nữa và đổi lại biển số màu trắng, bán lại cho người khác thì chi phí là bao nhiêu, có mang lại biển số cũ trước đây không? Có phải đóng thuế trước bạ và các khoản khác không? Liệu việc đổi qua đổi lại biển trắng - biển vàng có gây tốn kém, mất thời gian của người dân trong khi Nhà nước đang thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính?

Không chỉ với việc đổi màu biển số, trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lần 2 có một số quy định mà các DN cũng phàn nàn là sẽ phát sinh thêm chi phí cho họ.

Chẳng hạn, ở Điểm e khoản 2 Điều 133 quy định “xe vận tải nội bộ phải được cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, camera và thực hiện truyền dẫn dữ liệu theo quy định”.

Trong góp ý lần 1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị bỏ quy định này, nhưng vẫn chưa được tiếp thu. Theo phía cơ quan soạn thảo thì quy định như thế là cần thiết do hoạt động vận tải nội bộ có tần suất tham gia giao thông lớn, ảnh hưởng lớn đến trật tự đảm bảo an toàn giao thông, vì vậy các quy định về an toàn giao thông cần phải chú trọng.

Làm khó doanh nghiệp?  

Tuy nhiên, VCCI cho rằng giải trình này chưa thuyết phục vì vận tải nội bộ được xác định không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Vì vậy, cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải này phải khác cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. 

Theo VCCI, việc yêu cầu vận tải nội bộ phải được cấp phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dẫn dữ liệu – áp dụng cơ chế quản lý tương tự như hoạt động kinh doanh vận tải là chưa hợp lý và tạo ra sự bất bình đẳng đối với hoạt động của các xe ô tô không kinh doanh khác.

Hoặc như ở khoản 2 của Điều 112 Dự thảo quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có nêu “phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng phù hợp với loại hình kinh doanh; phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định”.

VCCI cho rằng, yêu cầu phương tiện phải đảm bảo “số lượng” phù hợp với loại hình kinh doanh là chưa hợp lý và can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Hơn nữa, Dự thảo không quy định về số lượng xe tối thiểu của mỗi loại hình kinh doanh, do đó không có căn cứ để xác định DN có đáp ứng điều kiện này không. Nếu số lượng phương tiện tùy thuộc vào nhu cầu và chiến lược của DN, thì quy định này là không cần thiết.

Đối với yêu cầu lắp camera, nhiều DN kinh doanh vận tải đã nhiều lần phản ánh cần phải đánh giá về quy định này khi triển khai trên thực tế, bởi yêu cầu như vậy làm gia tăng gánh nặng về chi phí kinh doanh và liên quan đến quyền bảo mật kinh doanh của DN và quyền riêng tư của khách hàng.

Hay ở như ở Điều 137 của Dự thảo quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Bên cạnh một số điều kiện khắt khe, Dự thảo còn có yêu cầu xe đưa đón học sinh phải có màu sơn riêng, thiết bị cảnh báo. 

VCCI nhấn mạnh: “Yêu cầu này có thể sẽ gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải, bởi vì phương tiện này DN có thể sử dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau, không nhất thiết là chỉ đưa đón học sinh”. 

Theo VCCI, nếu cần thiết (ví dụ để tạo thuận lợi trong nhận diện, qua đó ưu tiên xe đưa đón học sinh), thì có thể thay thế quy định về màu sơn, thiết bị cảnh báo bằng quy định về việc treo biển hiệu xe đưa đón học sinh - tên trường trên thân xe khi xe đang vận chuyển học sinh.

Thế Vinh