Doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều hỗ trợ

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia đề xuất cần thiết phải có gói hỗ trợ đợt 2 nhằm giúp số doanh nghiệp chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa sa thải lao động.

Số liệu thống kê vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936.400 tỷ đồng, giảm 5,1% về số lượng doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là gần 3.300, tuy giảm so với tháng 6 (là 7.433 doanh nghiệp) nhưng vẫn là con số khá lớn. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32.700 doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019. Có 21.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%. Ngoài ra, trên cả nước còn có 26.700 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét về mức vốn đăng ký, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, còn có gần 28.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103.800 doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này cũng trùng hợp với số liệu kê khai thuế quý II, khi chỉ có khoảng trên 20% số doanh nghiệp có phát sinh thuế giá trị gia tăng, tức là kinh doanh có lãi để đóng thuế. Cụ thể, tính đến ngày 30/7, cơ quan thuế đã nhận được 184.647 giấy xin gia hạn nộp thuế với tổng số tiền là 56.207 tỷ đồng. Số doanh nghiệp nộp giấy gia hạn thấp chỉ bằng khoảng 26% so với dự tính ban đầu là 700 nghìn doanh nghiệp của Bộ Tài chính.

Nguyên nhân được đưa ra là bởi dịch Covid-19 đã khiến phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên không phát sinh doanh thu, không phát sinh thuế, dẫn đến không có nhu cầu đề nghị gia hạn thuế.

Thực trạng trên cũng được phản ánh khá rõ tại Báo cáo tình hình sản xuất, công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương mới đây: 7 tháng đầu năm 2020 Việt Nam xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số gần 2 tỷ USD cùng kỳ 2019. Tuy mức xuất siêu 7 tháng đầu năm nay tăng mạnh nhưng không phải là do tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, mà là do kim ngạch nhập khẩu giảm, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại. Khi sức mua yếu đi, nhu cầu nhập nguyên vật liệu và máy móc thiết bị theo đó cũng bị giảm đi. Nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước giảm mạnh, như vải các loại giảm 15%, thép 14%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày gần 16%...

Do đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp trên thế giới nên nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất cần thiết phải có gói hỗ trợ đợt 2 nhằm giúp số doanh nghiệp chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa sa thải lao động. Theo đó, gói hỗ trợ đợt 2 vừa phải nhằm đón đầu "làn sóng" mất việc có thể đến do thị trường xuất khẩu gặp khó của các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu như giày da, quần áo, đồ gỗ... vừa cần hỗ trợ cả các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp lớn dẫn dắt nền kinh tế, thương hiệu quốc gia lớn, hay doanh nghiệp có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn đi nhiều nước… Ngoài ra, cũng cần kéo dài thời gian hoãn nộp thuế, tiền thuê đất đến cuối năm hoặc lâu hơn.

Hữu An