Doanh nghiệp và nông dân tranh nhau nguồn nước!

00:00 12/10/2020

Đấy là thực trạng đang xảy ra khi Tây Nguyên bước vào mùa khô hạn...Công ty CP bò sữa Tây Nguyên thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chặn dòng suối để bơm nước tưới cỏ, nông dân tranh thủ ngày đêm chực chờ lấy nước cho cây cà phê trên cùng một dòng suối.  

tram-bom-cua-cong-ty-bo-sua-hagl Trạm bơm của Cty Bò sữa HAGL

Thời gian gần đây, nguồn nước ở các con suối trên địa bàn huyện Ia Grai đang có nguy cơ giảm do nhiều yếu tố khách quan về thời tiết. Đặc biệt con suối Ia Châm - còn gọi là suối “Đục”. Đây là nguồn nước duy nhất để người nông dân một số xã trên địa bàn huyện sử dụng trong việc tưới cà phê, tiêu… Tuy nhiên hiện tại, lưu lượng nước tại con suối này năm nay giảm kỷ lục khiến nông dân không có đủ nước tưới cho vườn cây, dẫn đến nhiều diện tích cà phê, tiêu… không ra hoa đúng thời vụ, một số diện tích vườn cây đang có nguy cơ  khô héo và chết. Trước tình trạng trên, nhiều người nông dân đã tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện phía trên thượng nguồn của suối Ia châm -“Suối Đục” đoạn qua làng O Gia, xã Ia Pếch, lòng suối đã bị đắp đập ngăn dòng ,khiến lưu lượng nước chảy về phía hạ du bị giảm sút. Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Duy N cho biết: “Chúng tôi nghe đó là đập do Công ty bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai đắp để bơm nước tưới cỏ cho bò ăn. Chúng tôi bức xúc lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao! Có phản ánh thì cũng không làm được gì, cái đó là phía huyện với công ty, chúng tôi là nông dân thấp cố bé họng. Các anh cứ nhìn bên kia mà coi, ngay cả cà phê nhà ông trưởng thôn 7 mà cũng không có nước tưới... ”. Trước sự phản ánh của nông dân, đại diện nông trường bò sữa Ia Pếch, thuộc tập đoàn HAGL, ông Nguyễn Ngọc Thạch- Quản lý nông trường phân trần: “ Trước Tết, phía ông đã đắp 1 số đập và lắp hệ thống bơm nước với công suất 150m3/h, tại khu vực suối Ia Châm (đoạn qua làng O Gia). Tuy nhiên, phía công ty mới chỉ bơm nước 3-4 lần vào buổi tối để thử lượng nước như thế nào và đã dừng bơm. Phía công ty cũng mới chỉ trồng 45 ha cỏ, cũng chưa tưới nước. Nên thông tin bà con phía hạ nguồn thiếu nước tưới do ảnh hưởng của máy bơm nước trên là  không chính xác! ”. Trao đổi với PV, Ông Kiên Lơ - Trưởng thôn O Gia cho biết:  “ Theo tìm hiểu của tôi, trạm bơm của Công ty bò sữa được xây dựng và đắp đập ở dưới suối thời điểm vào cuối tháng 1. Máy bơm đã bơm nhiều lần vào buổi tối, mỗi lần bơm với thời gian từ 1-2 tiếng, lúc bơm là suối cạn hết nước luôn, ban ngày họ không bơm nước, chỉ bơm vào buổi tối …” Ông Lê Văn Việt trú tại thôn 5, xã Ia Tô bức xúc: “Gia đình tôi có 0,75 ha cà phê ở thôn 7. Đáng ra phải được tưới nước đợt 2 trước đây cả nửa tháng để cà phê ra hoa đúng vụ rồi. Nhưng, do nước bị thiếu trầm trọng, ngày nào tôi cũng ăn chực, nằm chờ tại vườn để canh nước tưới, nhưng gần nửa tháng nay vẫn chưa có nước để tưới đủ. Nếu có nước tưới,  0,75 ha cà của tôi chỉ tưới 1 ngày đêm . Do nước không có nên trước Tết tôi tưới đợt 1 lên đến gần ngày mới xong, còn đợt 2 này thì không biết có nước để tưới hết vườn hay không, từ 1 Tết đến giờ tôi vẫn chưa tưới được 1 nửa vườn do không có nước tưới. Ngày nào tôi cũng ở đây để chờ nước, cứ tưới được khoảng vài chục phút là nước lại hết sạch. Năm nay coi như là đã mất mùa cà, trong khi đó tiền nước chúng tôi vẫn phải đóng cho phía Công ty cà phê hàng năm! ” Ông Việt than thở. Một chủ vườn cà bên cạnh vườn nhà ông Việt cũng cho biết, gia đình nhà ông có 1ha cà phê, những năm trước dù khô hạn nhưng lượng nước tưới cũng không thê thảm như năm nay. Vào mùa khô, cây cà phê phải được tưới cho đến đầu mùa mưa thì mới dừng. Nhưng năm nay, nhiều gia đình không có nước để tưới, nguy cơ nhiều ha cà phê bị mất trắng là điều đang xảy ra. “ Cà phê bị mất giá, nếu như cùng kì năm ngoái là giá 39 triệu đồng/tấn cà nhân, bây giờ chỉ có 31 triệu đồng/tấn cà nhân. Như gia đình nhà tôi có 1ha cà phê, trừ tất cả các chi phí, không tính tiền công, với giá cà phê như hiện tại nhà tôi chỉ lãi chừng 20 triệu đồng. 1 năm chỉ có 20 triệu đồng trong khi các chi phí học hành của con cái, đau ốm…  chúng tôi cũng chỉ sống trong khốn khó. Giờ cà phê không có nước tưới, mất mùa là cái chắc, không biết sang năm chúng tôi sống thế nào! ” Chủ vườn cà phê này than thở. Những người nông dân trên cho biết thêm, dù thiếu nước trầm trọng, nhưng những vườn cà phê nhà họ còn may mắn hơn nhiều vườn cà phê khác. Bởi những diện tích cà phê của họ chỉ cách con suối Ia Châm chừng 500m, nên còn “vơ vét” được ít nước để tưới, còn những vườn cà phê xa hơn không có nước để tưới, đang rơi vào tình trạng khô héo: “ Chỉ cần lên trên đây 1 đoạn sẽ thấy nhiều vườn cà phê đang chết khô, họ không có lấy 1 giọt nước để tưới ”, ông Việt xót xa kể. Trao đổi với chúng tôi, Ông Phan Trung Tường- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, huyện đã giao chính quyền xã Ia Pếch theo dõi và báo cáo việc bơm nước của Công ty bò sữa Tây Nguyên nhưng đến nay xã chưa có báo cáo chính thức. Ông Tường cũng cho biết thêm: Nếu công ty bò sữa đã đặt máy bơm tại 2 dòng suối Ia Châm và Ia Dáp. Tổng diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi 2 dòng suối này là 1.021 ha cà phê và 14 ha lúa. Theo tính toán, lượng nước tưới của 2 con suối này chỉ đủ phục vụ sản xuất lúa, cà phê trong vùng, riêng suối Ia Châm thì từ năm 2013 đến nay- vào mùa khô, suối Ia Châm không đủ nước cung cấp nước tưới cho cà phê ở xã Ia Tô vào đợt 2 và 3. Chính vì vậy, chính quyền huyện đã yêu cầu phía công ty bò sữa không được bơm nước tưới vào thời gian từ tháng 1- tháng 4 để ưu tiên nước để phục vụ cây nông nghiệp cho người dân. “ Vì phía công ty cần sử dụng lượng nước lớn từ 2 con suối trên nên theo quy định  phải có công văn xin phép và dùng nước phải trả tiền chứ không phải tự ý bơm nước . Chúng tôi không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà để người dân thiệt thòi được.  UBND huyện cũng chưa có bất kì văn bản nào đồng ý cho doanh nghiệp sử dụng nguồn nước trên. Chúng tôi sẽ yêu cầu xã báo cáo việc ." Vị Phó chủ tịch huyện khẳng định. Hạn hán Tây Nguyên trong năm 2016 là điều đã được dự báo. Vì thế để điều hòa lượng nước tưới tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích  doanh nghiệp và nông dân đang là bài toán không dễ cần có sự vào cuộc của UBND Huyện Iagrai.

Theo Chính Hà – Trọng Nghị/ Tầm nhìn