Doanh nghiệp và lao động quay trở lại ngành du lịch gia tăng mạnh

10:10 01/08/2022

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao.

Tổng cục Du lịch, tình hình du lịch Việt Nam tiếp tục đà phục hồi kéo theo số doanh nghiệp du lịch dịch vụ quay trở lại tăng cao, đồng thời cũng gia tăng số lượng tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này. Trong đó, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27,7%. Số lao động đăng ký mới trong lĩnh vực du lịch dịch vụ tăng khoảng 20%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 7/2022, Việt Nam đón 352,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 49% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 đón 954 nghìn lượt, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ.

Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trong 7 tháng đầu năm đạt 62%/tháng.

Doanh nghiệp và lao động quay trở lại ngành du lịch gia tăng mạnh
Doanh nghiệp và lao động quay trở lại ngành du lịch gia tăng mạnh.

Tăng trưởng khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm đạt trung bình 62%/tháng. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 196,2 nghìn lượt. Trong 10 thị trường hàng đầu có 4 thị trường ở khu vực Đông Bắc Á, 4 thị trường ở Đông Nam Á, cùng với Mỹ, Úc. Các thị trường từ châu Âu đang phục hồi với tốc độ khá nhanh.

Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Lượng giấy phép được Tổng cục Du lịch thẩm định và cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đang gia tăng nhanh so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 6 năm 2022, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã ban hành 46 Quyết định công nhận đối với cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao, trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 35 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao và 2 căn hộ du lịch đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cả nước hiện có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 buồng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có liên quan đến lĩnh vực du lịch có sự gia tăng ấn tượng, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%.

Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm và du lịch đạt 2.215 doanh nghiệp, tăng 50,5%.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người lao động. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 19,7%; dịch vụ việc làm, du lịch tăng 20,7%.

Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50% - 75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ. Cùng xu hướng này, nhu cầu du lịch nội địa cũng như du lịch outbound của khách Việt cũng đang gia tăng nhanh trong mùa du lịch hè năm nay.

Trước những diễn biến mới của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã cùng với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.

PV