Doanh nghiệp sẵn sàng ‘bật dậy’ sau dịch

00:00 12/10/2020

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, dịch bệnh kéo dài khiến sản xuất ngừng trệ nhưng doanh nghiệp cần sẵn sàng từ trang thiết bị, máy móc đến con người, khi hết dịch có thể làm việc ngay.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung quý 1/2020, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351.400 tỉ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỉ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý 1 đạt khoảng 903.788 tỉ đồng, giảm 17,7%.

“Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp chọn cách “ngủ đông” để bảo vệ mình... Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, doanh nghiệp không nên ngủ đông, mà hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để “bật dậy” sau dịch bệnh.

 Doanh nghiệp cần chủ động phương án để trở lại sản xuất sau khi dịch kết thúc.

Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên "ngủ đông", ông bình luận ra sao về vấn đề này?

Việc dùng từ “ngủ đông” với các doanh nghiệp là không nên. Bởi trong mọi ngành nghề kinh doanh, đầu tư, càng lúc biến động thì càng phải tỉnh táo. Trong biến động, cơ hội sẽ nảy sinh rõ rệt nhất. Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho ai năng động, tích cực, có tầm quan sát, sự chuẩn bị.

Đối với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì cần có sự tái cấu trúc, nghiên cứu, xem xét chi phí thấp nhất trong thời gian khó khăn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại trong quá trình hoạt động kinh doanh có những công đoạn bất hợp lý để cải tổ, giảm chi phí.

Vậy, theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó với dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay?

Trong thời đại hiện nay, doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ hiện đại, kĩ thuật mới, sự tiết giảm chi phí, tăng cường hoạt động thì hoàn toàn có những cơ hội tốt hơn. Đồng thời, doanh nghiệp hoàn toàn có định hướng mới để đi vào hoạt động chuyên sâu hơn.

Ví dụ, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Bởi chúng ta có chung biên giới, nhiều giao thương với quốc gia này. Tiếp nữa, khi dịch bùng phát sớm, chúng ta có biện pháp phòng ngừa: khẩu trang, quần áo y tế, máy thở, phương tiện công cụ phục vụ ngành y dược. Thậm chí, sản xuất công cụ, máy móc thiết bị, dược liệu… phòng ngừa, hỗ trợ điều trị. Trên thực tế đó, nếu nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng này.

Như vậy, từ việc phòng ngừa dịch bệnh, chúng ta có thể chủ động để sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo nhu cầu nếu dịch bệnh bùng phát, vừa có thể xuất khẩu thế giới. Điều này góp phần giảm thiểu khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Như chúng ta đã thấy, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang đắt như tôm tươi. Tôi có đề xuất các cơ quan nhà nước, phải coi khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ dịch bệnh là mặt hàng dự trữ chiến lược, không được xuất khẩu. Sau đó một thời gian, Chính phủ cũng yêu cầu cấm xuất khẩu mặt hàng này. Thế nhưng, việc làm thế nào để chuyển hóa thì rất ít doanh nghiệp làm được. Đến bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động sản xuất khẩu trang vải, chống khuẩn… Như vậy, có thể khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội ngay trong lúc khó khăn.

Việc doanh nghiệp thức thời, biết tìm kiếm cơ hội trong lúc dịch bệnh khó khăn còn được thể hiện qua việc họ đẩy mạnh bán hàng online. Bằng những ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp đưa các mặt hàng đến khách hàng qua các kênh mạng xã hội, đem lại doanh thu trong bối cảnh dịch khó khăn. Cũng chính hoạt động bán hàng online giúp đội ngũ giao hàng có công ăn việc làm,  nguồn thu nhập ổn định.

Còn vấn đề khi hết dịch bệnh, doanh nghiệp muốn quay trở lại hoạt động thì cũng nên chuẩn bị sẵn sàng, từ trang thiết bị, máy móc đến con người, khi hết dịch có thể làm việc ngay, tránh tình trạng ù lì vì thời gian nghỉ dài làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, có thể nói rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh ngay trong bối cảnh dịch bệnh; thậm chí tìm ra con đường kinh doanh mới, hợp lý hơn. Bởi đây là thời gian lý tưởng để tìm kiếm bạn hàng, thị trường mở rộng, tìm kiếm ngành nghề sản xuất thích hợp để thay đổi nếu con đường đang đi chưa phù hợp. Đó là những điều mà doanh nghiệp nên làm để khi dịch qua đi, doanh nghiệp “bật” sản xuất lên.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ trên!

Thúy Ngân