Doanh nghiệp phục hồi, xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 tăng gần 50%

16:13 08/11/2021

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2021 tăng gần 50% so tháng trước đó. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang phục hồi rất tốt.

  Nhiều doanh nghiệp thủy sản lo lắng khi dịch đang bùng phát trở lại tại miền Tây.

Theo Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc VASEP.PRO, sau khi sụt giảm sâu trong 2 tháng liên tiếp do giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, với việc nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại tại các địa phương để phục hồi sản xuất, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã có những tín hiệu tích cực, đạt 918 triệu USD, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm chính xuất khẩu đều tăng trưởng trở lại, như: Cá ngừ, mực, bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%. Kết quả này cho thấy, sản xuất xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt.

Riêng mặt hàng cá tra xuất khẩu vẫn giảm 18%, doanh thu chỉ đạt 139 triệu USD. Nguyên nhân, thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid- 19.

Về thị trường, trong tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%. Trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%; cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%; mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái; các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng cao 25%, với gần 1,7 tỷ USD; Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Trung Quốc và EU đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 cho thấy, hoạt động sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp phục hồi khá tốt. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi khá nhanh.

Điển hình, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã phục hồi sản xuất 100%. Bắt đầu từ tháng 10/2021, các tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng chống dịch Covid-19, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc. Sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.507 tấn, bằng 118% kế hoạch; doanh số tiêu thụ chung đạt 23,9 triệu USD, bằng 105% so cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt 157 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống chống dịch của các doanh nghiệp thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong trạng thái khá căng thẳng do có dấu hiệu bùng phát ca bệnh và ổ dịch ở một số tỉnh, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương nhiều.

Hiện nhiều tỉnh nâng mức độ phòng chống dịch lên mức cao, đã ban hành quyết định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam). Động thái này phần nào sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản khi vừa mới phục hồi...

P V tổng hợp