Doanh nghiệp phấn khởi trước kế hoạch triển khai Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành của Bộ Tài chính

15:04 01/03/2021

Theo tính toán, triển khai thực hiện đề án sẽ cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng, cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm..

Kiểm tra Hải quan (ảnh: internet)
Kiểm tra Hải quan (ảnh: internet). 

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP. Hà Nội chia sẻ, như vậy là ngay sau khi Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương “bắt tay” vào cuộc xây dựng kế hoạch hành động triển khai đề án. Trong bối cảnh giảm thời gian thông quan hàng hóa là yếu tố mà DN mong chờ nhất thì những động thái này của Bộ Tài chính và ngành Hải quan khiến cộng đồng DN rất phấn khởi và đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ, coi DN là trung tâm của chính sách cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý.

Đại diện DN Hà Nội chia sẻ thêm, có thể thấy, việc cơ quan hải quan làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, từ việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đến quyết định phương thức kiểm tra, thực hiện kiểm tra hồ sơ, chứng nhận hợp quy... đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ cắt giảm rất nhiều đầu mối thủ tục hành chính mà DN phải thực hiện so với trước đây. Thông qua đó, DN được giảm đi nhiều gánh nặng, tiết kiệm được chi phí, thời gian.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kế hoạch đã bao quát được toàn bộ nội dung liên quan đến các quy trình, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động nhập khẩu, song cũng rất cụ thể và chi tiết hóa được từng mục tiêu, tiêu chí, yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính đề ra. Kế hoạch đã đề ra được các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế để triển khai đề án cho giai đoạn 2024 - 2026.

Mong muốn nhanh chóng áp dụng vào thực tế

Theo các chuyên gia, DN mong muốn các bộ ngành liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành để nhanh chóng thực thi đề án trong thực tế. Thông qua đó, DN có thêm nền tảng vượt qua khó khăn, có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thông qua việc tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực…

Theo kế hoạch, từ nay đến 2023, cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, chia sẻ thông tin giữa các bộ quản lý ngành, lĩnh vực với cơ quan hải quan về các nguy cơ, dấu hiệu sai phạm, kết quả thanh tra, kiểm tra.

Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, cộng đồng DN mong muốn nhanh chóng thực thi các chính sách tiến bộ này trong thực tế. Được biết trước mắt, ngành Hải quan đang tiếp tục khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của đề án. “Hiệp hội cùng với các DN sẽ tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng dự thảo và dựa trên hoạt động thực tiễn để đóng góp ý kiến một cách khách quan, đầy đủ, nhanh chóng để nghị định sẽ được ban hành đúng dự kiến”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội khẳng định.

Còn theo đại diện Vitas, để hỗ trợ cơ quan quản lý hoàn thiện các nghị định liên quan đến đề án, kế hoạch cũng như triển khai hiệu quả đề án trên thực tế, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tích cực tuyên truyền tới các DN ngành dệt may về nội dung kế hoạch, chương trình hành động cũng như phối hợp tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan, nhằm sớm đưa đề án vào thực tiễn.

PV