Doanh nghiệp Nhật tham gia đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu

11:51 15/04/2021

Cổng thông tin TP Đà Nẵng đưa tin, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh vừa có buổi làm việc với Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - ông Shimizu Akira về tình hình hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua và đề xuất một số chương trình hỗ trợ hợp tác trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ dự án gần 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của TP Đà Nẵng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm về tính chính xác về nội dung, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với các dự án khởi công mới, dự kiến TP Đà Nẵng có hai dự án được bố trí ngân sách Trung ương với tổng vốn 2.500 tỷ đồng gồm: Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung 2.000 tỷ đồng và dự án đường ven biển Nguyễn Tất Thành 500 tỷ đồng. 

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ thành phố thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án Bến cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP để làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư dự án. Chính quyền thành phố cũng mong nhận được hỗ trợ nghiên cứu quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị khu vực quận Liên Chiểu, kết nối quy hoạch giao thông, hạ tầng cảng đồng bộ để phát triển kinh tế bền vững khi cảng Liên chiểu hình thành. TP cần thông tin xác định các dự án hạ tầng trọng điểm tại khu vực Liên Chiểu để xúc tiến vận động nguồn vốn ODA.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sự tham gia, hỗ trợ hợp tác của JICA rất cần thiết, tạo tiền đề để dự án bến cảng Liên Chiểu được đầu tư đồng bộ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.

Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Shimizu Akira ủng hộ những đề nghị mới của lãnh đạo chính quyền thành phố và cho hay, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố vừa được ban hành, JICA sẽ triển khai hỗ trợ Đà Nẵng rà soát, lựa chọn dự án hạ tầng ưu tiên có khả năng kêu gọi nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, JICA còn có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thứ PPP dành cho các nhà đầu tư quan tâm đến dự án Bến cảng Liên Chiểu.

Báo cáo cuối kỳ dự án Khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu, JICA khẳng định, cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác theo từng tiến độ, đến cuối năm 2026 là 2 bến cảng (giai đoạn 1), năm 2031 là 4 bến cảng (việc di dời hàng hóa sẽ bắt đầu và hoàn thành vào năm 2034), đến năm 2035 là  5 bến cảng và năm 2038 là 6 bến cảng.

JICA cho rằng, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến Cảng Đà Nẵng là chắc chắn, việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết đối với hệ thống cảng biển Đà Nẵng. Chiến lược trọng tâm là phát triển khu cảng Liên Chiểu góp phần tăng nâng vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng.

Theo JICA, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây. Lượng hàng hóa sẽ đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới.

JICA đề xuất thời điểm di dời chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu trong trường hợp 1 là từ năm 2031 và trường hợp 2 là từ năm 2041. Tuy nhiên Cảng Tiên Sa vẫn là cảng đa năng, đảm nhận xếp dỡ hàng tổng hợp và hàng container cho đến thời điểm nêu trên.

Tổ chức JICA cũng đề xuất, quy hoạch phân khu cảng biển Liên Chiểu trong quy hoạch chung, với tổng diện tích là khoảng 1.285ha, dân số dự kiến là khoảng 19.000 người.

Lâm Nghi

Tags: