Doanh nghiệp Mỹ xác định "sống chung với virus"

00:00 12/10/2020

Sau nhiều tháng dịch COVID-19 ít có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ quyết định phải khôi phục lại nhịp kinh doanh.

CNBC cho biết, JPMorgan - ngân hàng lớn nhất phố Wall xét về doanh thu đang tính đưa thêm nhân viên chứng khoán và ngân hàng trở lại văn phòng vào tháng tới. Với gần 70.000 người, lịch làm việc sẽ xoay vòng giữa các ngày. Nghĩa là nhân viên sẽ một nửa tới văn phòng, một nửa tiếp tục làm tại nhà

Còn GM - hãng sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ cũng đang khôi phục dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, hãng phải làm việc chưa từng có tiền lệ - kêu gọi nhân viên văn phòng sang lấp chỗ trống cho công nhân chân tay. Mặc dù bị nghiệp đoàn công nhân chỉ trích, nhưng là cách duy nhất để GM lấp đầy dây chuyền khi nhiều công nhân chưa dám quay lại.

Nhiềlao động Mỹ đã bị nhiễm bệnh và người thân bị lây, nên mất nhiều tháng chưa thể quay lại làm việc. Số khác vì lo lắng trước nguy cơ phơi nhiễm, cũng chấp nhận ở nhà nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhưng với những người quay lại, họ cần các công ty đưa ra các giải pháp an toàn.

Doanh nghiệp Mỹ xác định sống chung với virus - Ảnh 1.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn quyết định khôi phục lại nhịp kinh doanh. Ảnh minh họa: NYTimes.

Thời báo New York cho biết, một số công ty chọn lắp tấm chắn giữa các bàn làm việc, rồi yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay và giới hạn số lượng ở những điểm sinh hoạt chung.

Theo Nhật báo phố Wall, có công ty phải thuê nhà tầm 15 phòng ngủ để các nhóm nhân viên có thể tới sống và làm việc cùng nhau, thậm chí có thể mang theo cả gia đình.

Xác định "sống chung với virus", một số công ty khác dùng ứng dụng, giúp nhân viên ra vào cơ quan không cần động tay vào thang máy, quét tay chấm công hay bất cứ thiết bị chung nào.

PwC thì dùng tín hiệu điện thoại, từ đó xác định vị trí của đồng nghiệp khác ở gần. PwC cũng cung cấp "điểm số gần gũi" cho các cá nhân để giúp họ đánh giá rủi ro của chính mình

Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Columbia, các biện pháp trên chỉ giúp giảm thiểu, không giải quyết triệt để được các rủi ro. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn phải là ý thức của mỗi người lao động khi quay trở lại làm việc.

Lê Tuyển