Doanh nghiệp mong muốn được “bơm oxy” để hồi sức

17:18 03/10/2021

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch kéo dài, hiện nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng tê liệt, kiệt sức cần sự hỗ trợ, đặc biệt là nguồn hỗ trợ tài chính như người bệnh Covid cần oxy để hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trên địa bàn thành phố của Đoàn Đại biểu Ngày 2/10, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Chu Tiến Dũng cho biết, do ảnh huởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, từ ngày 9/7 đến nay, doanh nghiệp hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Chỉ khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm".

Các doanh nghiệp còn duy trì chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết và duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt. Tuy nhiên, chi phí cao khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được do khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng cũng như những tác động khác từ chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu sản xuất...

Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đã khiến doanh thu DN sụt giảm, lợi nhuận âm, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo. Nếu muốn được giải ngân doanh nghiệp phải đảm bảo: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo….

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh cần oxy. Nếu chậm trễ thì e rằng rất nhiều doanh nghiệp tốt sẽ bị chết, làm suy yếu nội lực của doanh nghiệp và Nhà nước sẽ mất nguồn thu sau này. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cần phải chuyển từ nhận thức (từ "Zero Covid" sang "with Covid") thành hành động nhanh và dứt khoát. Nếu cứ nửa vời và vấn vương với tư tưởng Zero Covid sẽ làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế - xã hội khi tái mở cửa lại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đi sống và chế độ phúc lợi của người dân.

Theo ông Chu Tiến Dũng, nguồn lực của DN đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề xuất xem xét giải quyết các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành, đại diện HUBA đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo giãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 14 vừa ban hành. Đồng thời, cho phép mở rộng "room" cho vay đối với các doanh nghiệp để có vốn phục hồi sản xuất. Chính quyền địa phương cần đơn giản hoá thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68; giảm thu phí giao thông đường bộ...

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin phủ diện rộng cho người lao động, cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tự chịu trách nhiệm… để từng bước phục hồi sản xuất.

Theo TCHQ