Doanh nghiệp lo lắng tình hình kiểm dịch gạo Ấn Độ khi nước này trong “tâm bão” dịch Covid-19

22:11 04/05/2021

Một số mặt hàng đang được nhập khẩu về Việt Nam từ Ấn Độ, trong đó rất lưu ý các mặt hàng là gạo và thủy sản.

“Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất xấu ở Ấn Độ nhưng hiện nay nước này vẫn xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục mua gạo từ Ấn Độ. Tôi chưa biết Chính phủ Việt Nam có hạn chế nhập khẩu hàng hóa với quốc gia này hay chưa, nếu vẫn cho nhập khẩu mà không có sự kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh thì hậu quả rất khó lường.

Ai cũng biết biến chủng chứa đột biến kép của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm được phát hiện tại Ấn Độ khiến quốc gia này rơi vào cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được tìm thấy ở ít nhất 17 quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cần có biện pháp công bố đối với vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang)  lo lắng nói.

Ông Trần Tuấn Kiệt, Tổng giám đốc công ty TNHH Lương thực Thực phẩm XNK Miền Nam (Miền Nam Food) cho biết: Đối với việc Chính phủ cho nhập khẩu gạo Ấn Độ có 2 điều mà chúng tôi - các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gạo rất lo lắng.

Thứ nhất, nhập khẩu gạo ngay khi ĐBSCL thu hoạch lúa Đông Xuân. Thứ hai nhập khẩu gạo khi nước này rơi vào vòng xoáy Covid-19 mà chưa thấy Chính phủ đưa ra biện pháp kiểm soát dịch đối với hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp chúng tôi rất mong Chính phủ sớm có biện pháp phù hợp đối với vấn đề này”.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, việc các bang ở Ấn Độ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, làm việc tại nhà … sẽ tác động tiêu cực đến tiến độ thông quan, giao hàng, nhận hàng của các doanh nghiệp Ấn Độ; tình hình dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp... Do vậy, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị:

Các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên liên hệ với đối tác Ấn Độ để cập nhật diễn biến về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ và các biện pháp phong tỏa của chính quyền địa phương; Kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thực hiện hợp đồng thương mại, việc thực hiện giãn cách xã hội và làm việc tại nhà có thể ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa.

Trao đổi với đối tác đàm phán lại các điều khoản hợp đồng, điều kiện giao hàng, thanh toán và ghi rõ các trường hợp bất khả kháng. Đối với các đơn hàng mới xem xét áp dụng các điều khoản thanh toán an toàn, có lợi cho doanh nghiệp, thường xuyên giữ liên lạc với đối tác, đơn vị vận chuyển…tuyệt đối không sử dụng các phương pháp thanh toán trả chậm, DA/ DP…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam không chỉ nhập khẩu gạo từ Ấn Độ mà còn nhập khẩu thủy sản. Riêng quý 1/2021 nhập khẩu thủy sản từ Ấn Độ về Việt Nam trị giá 75,801 triệu USD.

N. Huyền