Doanh nghiệp kiệt sức dễ bị nước ngoài thâu tóm

00:00 12/10/2020

Trong giai đoạn cách ly xã hội 15 ngày (kể từ ngày 1-4-2020), nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm ngưng. Điều này ảnh hưởng đến đầu ra của doanh nghiệp (DN) tại thị trường nội địa.

DN đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn.

DN đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn.

Nếu chúng ta buộc phải kéo dài thời gian cách ly và dùng như biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn dịch bệnh điều gì sẽ xảy ra với DN? 

Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Anh, chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN. 

 Nếu buộc phải kéo dài thời gian cách ly, theo ông các DN sẽ rơi vào tình thế ra sao, Chính phủ nên có chính sách nào đồng hành với DN? 

Theo quan điểm của tôi, về kinh tế tốt nhất chúng ta nên học cách sống chung với dịch. Bởi nếu kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm vài tháng nữa DN sẽ kiệt sức. Khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài thâu tóm DN nội ở thị trường trong nước. 

Hiện nhiều DNNVV coi như đã tê liệt. Những DN lớn hơn, đã niêm yết, đa phần lượng tiền mặt (chi trả vận hành) cũng chỉ cầm cự được thêm vài tháng, trong khi chúng ta chưa biết khi nào dịch bệnh được kiểm soát thực sự. Đấy là chưa tính các khoản chi phí tài chính được tạm giãn, giảm, còn nếu không được hỗ trợ DN lớn cũng gục ngay, nhất là các DN dùng đòn bẩy nhiều. Nếu cắt giảm chi phí tối đa và thu nhỏ lại (down size) cũng chỉ được hết năm. Giá cổ phiếu của nhiều DN có nền tảng tốt cũng đã giảm nhiều, có trường hợp giảm sâu đến 50%, như vậy rất dẽ rơi vào tầm ngắm thâu tóm.

Tương tự ngành gỗ - nội thất 93% DN đã và sắp dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, sa thải 45% lao động. Ngành du lịch và bán lẻ hầu như đã tạm ngưng hoạt động. Ngay trong bài chia sẻ về thực trạng DN hiện nay của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã chỉ ra nhiều con số: gần 85% DN cho biết dịch bệnh đã làm thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. 

Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%. Cũng theo VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới gần 30% DN được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.

Chính vì thế, chúng ta phải tìm cách sống chung với dịch, chứ cách ly tiếp, cấm hoạt động tiếp, có khi mất hết thị phần. Chí ít cũng phải tạo cơ hội để các DN tồn tại được nhờ thị trường nội địa, giữ được các DN tốt, đợi hết dịch rồi phục hồi theo thế giới.

Nhưng không phải ngành nào cũng dựa vào thị trường nội địa, có nhiều ngành nghề hơn 90% phụ thuộc xuất khẩu, thưa ông? 

Đúng là với ngành xuất khẩu chúng ta đang bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Nhưng thực tế hầu hết DN lớn trong các ngành xuất khẩu chính vẫn là doanh nghiệp FDI. Còn các DN của Việt Nam phần nhiều vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa.

Chính vì thế, trong giai đoạn này Chính phủ cần đưa ra những quy định đặc thù để giúp DN vẫn có thể vận hành, dù chỉ là 30-40% công suất so với trước đây. Chỉ khi DN vận hành chúng ta mới duy trì được sinh khí cho nền kinh tế. 

Trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông giải pháp nào trong lúc này có thể tiếp sức tốt nhất? 

Giải pháp là giãn nợ, giảm phí và lãi vay có thời hạn cụ thể. Thí dụ, 18 tháng, ưu tiên các DN lớn, có sử dụng nhiều lao động để ổn định lao động và giữ thị phần. DN cần giãn nợ hơn là giảm thuế lúc khó khăn, doanh thu gần như không có, lợi nhuận âm. Riêng DNNVV thường ít vướng nợ vay do lúc bình thường ít thỏa mãn điều kiện cho vay, bây giờ nên cho họ vay để duy trì và phát triển kinh doanh, có thể là tín chấp, hay cách nào đó đơn giản hóa một số điều kiện vay vốn. 

Cần nhớ, các DN lớn có xu hướng giảm lao động khi hàm lượng công nghệ gia tăng, trong khi các DNNVV mới là khu vực tạo ra nhiều việc làm chính và việc làm mới. Do vậy hỗ trợ vốn cho DNNVV là giải pháp hiệu quả giúp phục hồi thị trường việc làm và nền kinh tế.

Lúc này, tốc độ triển khai các gói hỗ trợ cho DN là rất cấp thiết. Trong đó hành chính công phải được cải thiện, giảm quan liêu thủ tục để giúp tăng vòng quay vốn xã hội, góp phần vào việc phục hồi và tăng trưởng nội sinh. Nguy cơ hàng triệu người mất việc làm là nhãn tiền. Nếu có thâu tóm, nội thâu tóm nội còn hơn là để ngoại thâu tóm nội.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Dung (thực hiện)