Ngày 22 - 23/03/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đại hội nhiệm kì này đã chỉ ra điểm nhấn đột phá trong hoạt động, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới để Hiệp hội Doanh nghiệp cùng với cộng đồng doanh nghiệp vững vàng hội nhập và phát triển. Thực hiện trách nhiệm của mỗi doanh nhân đối với xã hội, vừa làm giàu cho bản thân, cho doanh nghiệp vừa song hành với lợi ích của xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội DNNVV Việt Nam lần thứ IV cần sáng suốt lựa chọn, bầu ra một Ban Chấp hành khóa mới, đủ sức mạnh trí tuệ, quy tụ, lãnh đạo Hiệp hội ở chặng đường mới, tầm cao mới.
Bài viết "Nhiệm kỳ IV Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Giữ lửa và thắp sáng" đề cập mong muốn của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp, tiếp tục có những giải pháp, hành động cụ thể, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh quá trình phục hồi và phát triển.
Hiện nay, Chương trình Nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ đang được triển khai thực hiện rộng khắp trên cả nước, tạo điều kiện tiếp cận chỗ ở tốt hơn cho một bộ phận người thu nhập thấp và người cần được trợ giúp về nhà ở trong đô thị.
Nhà ở xã hội là loại nhà ở dành cho những gia đình nghèo, có thu nhập trung bình thấp, được thuê hoặc mua với giá ưu đãi, người mua phải đáp ứng một số điều kiện đặc thù do chính quyền thành phố quy định, và tuân theo các quy định và pháp luật của Nhà nước. Ý nghĩa quan trọng của nhà ở xã hội là cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị có thu nhập trung bình thấp, góp phần ổn định và cân bằng xã hội, đồng thời thúc đẩy công nghiệp hóa xây dựng nhà ở.
Các bài viết phân tích, bình luận của chuyên gia như: "Chính sách mới về nhà ở xã hội: Cơ hội cho người nghèo", "Thông điện nhà ở phải có người ở" cho thấy thực tế nhà ở xã hội có thể không sinh lời trực tiếp nhưng những lợi ích cùng tác động gián tiếp cho nền kinh tế lại vô cùng to lớn. Bởi đi đôi với công ăn việc làm thì cần ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt cho người công nhân nói riêng và người lao động nói chung. Từ đó, nhà đầu tư mới yên tâm đẩy mạnh sản xuất. Sự phát triển bền vững chỉ có được khi mọi mặt của hệ sinh thái công nghiệp – đô thị - dịch vụ được chăm lo, mà ở đó người lao động là nhân tố quan trọng được đảm bảo về cuộc sống.
Trong số Tạp chí in kì này, bạn đọc được gặp chân dung người doanh nhân sâu sắc, chín chắn và cương nghị ở vùng đất nắng gió Quảng Bình: "Doanh nhân Đặng Xuân Hòe - chọn thế đứng, tạo bước vững cho một hành trình dài".
Người thay đổi cuộc đời bằng ngã rẽ và bằng những quyết định táo bạo... Doanh nghiệp thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào sự bản lĩnh quyết đoán của nhà cầm quân. Câu chuyện về doanh nghiệp và Doanh nhân Đặng Xuân Huề là một ví dụ chứng minh.
Ông Đặng Xuân Huề đã chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong thời kì toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có các nền kinh tế, doanh nghiệp trên thế giới đang vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không phải chỉ nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chính là cạnh tranh về văn hóa trong đó đạo đức kinh doanh là một yếu tố có ý nghĩa quyết định”.
Lời tâm sự của một doanh nhân, mỗi chúng ta nghe, xem như là một xung lực mới, một báo hiệu có tính cầu nối để rồi đây hàng Việt có chất lượng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn có thể vươn tới các quốc gia trên thế giới, đưa các doanh nghiệp tiếp tục cuộc hành trình đến những bến bờ xa.
BBT