Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế

00:00 12/10/2020

Nhằm khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế, ngày 3/9/2019, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập giới thiệu những ý kiến góp ý tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hưởng ứng cuộc vận động này.

Ông Lê Thuận Văn- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

 Trong những năm trở lại đây, cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng lớn mạnh không ngừng cả số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội ở địa phương, tạo ra gần 40% sản phẩm quốc nội, thu hút trên 60.000 lao động và hàng chục ngàn lao động thời vụ, đã đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh trên 60% tổng nguồn thu trong cân đối.

 Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là những rào cản về cơ chế, chính sách. Vì vậy, để môi trường kinh doanh được thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, phát triển, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng cần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ quá trình giải quyết công việc của công chức, viên chức thuộc quyền, đề xuất bãi bỏ những rào cản không phù hợp; phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận, lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị, chia sẻ và phản hồi các ý kiến từ phía doanh nghiệp, luôn đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện quyền kinh doanh của mình, được làm ăn, kinh doanh chân chính trong môi trường thuận lợi, được tôn vinh và tôn trọng, được tin tưởng và ghi nhận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Quảng- Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề Đá huyện Yên Định (Thanh Hóa): Vận dụng chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 Hiện trên địa bàn huyện Yên Định có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến đá, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 2.500 lao động và 1.500 lao động thời vụ với mức lương trung bình 7-8 triệu đồng/ người/ tháng. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp nghề đá tại địa phương đang gặp không ít khó khăn, có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản bởi việc chậm cấp phép khai thác, mở rộng mỏ đá của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp đã bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư máy móc, làm đường để tiện cho việc khai thác, giờ chỉ biết xót xa đứng nhìn khối tài sản là máy móc bị hoen rỉ, vốn vay ngân hàng đầu tư ngày càng thêm lãi, nhân công vẫn phải thuê trông giữ. Mặc dù được các cấp, các ngành huyện Yên Định cũng như tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng rất khó vận dụng chính sách để cấp phép cho các doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho rằng vẫn vướng một số quy định tại Nghị định 156/CP/2019, ngày 16/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Nhưng nếu chiếu theo Điều 4 (tiêu chí rừng tự nhiên) thì không phù hợp, vì khu vực này rất ít cây thân gỗ, không có cây tre, nứa..

Thêm vào đó, các doanh nghiệp nghề đá tại Yên Định đều đã nộp tiền cấp quyền khai thác từ trước khi Nghị định 156 có hiệu lực thi hành. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ của các doanh nghiệp, Sở NN&PTNT đã tham gia nhiều cuộc làm việc, kiểm tra, đánh giá và đã ký vào biên bản bàn giao thực địa. Như vậy, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang gặp phải, nguyên nhân chính xuất phát từ khâu quản lý của cơ quan nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sớm trở lại hoạt động.

Ông Hán Văn Thuật- Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ Thiện Mộc: Cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6/2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư của tư nhân vào kinh doanh sản xuất, phát triển đồng bộ vào các nghành nghề như giao thông , y tế và chế biến gỗ... hiện nay còn nhiều khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó cũng là căn cứ để thay đổi thể chế ban hành Nghị quyết kinh tế tư nhân phát triển bền vững, thực sự trở thành động lực nền kinh tế thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh lành mạnh và bền vững hơn, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển tích cực nhưng lại lộ ra những nhược điểm là việc lựa chọn khởi nghiệp, doanh nghiệp chưa phát triển từ lợi thế địa phương hay địa lí. Muốn phát triển nóng, phát triển nhanh mà không tạo được nền tảng cho phát triển bền vững, do vậy doanh nghiệp rất dễ bị phá sản. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp tư nhân có trình độ sản xuất, quy mô nhỏ, kỹ năng quản lí còn hạn chế, chưa chú trọng đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xu thế kinh doanh sản xuất còn chụp giật... Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách ổn định, tạo môi trường vay vốn theo thị trường, khuyến khích chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về thể chế thì Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật: Đất đai, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường, cấp phép, đổi mới đối thoại, tăng khả năng tiếp cận nguồn nhân lực của doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp... để khuyến khích sản xuất. Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp trong nước cung ứng các dịch vụ sản phẩm thay thế cho việc mua của nước ngoài.

Lãnh - Giang - Cường