Doanh nghiệp cần biết: Kế toán trưởng và thủ tục thay đổi kế toán trưởng của doanh nghiệp

11:24 04/06/2021

Trong các công ty lớn, Kế toán trưởng giám sát một nhóm các chuyên gia tài chính, và làm việc dưới quyền Giám đốc tài chính (CFO).

Kế toán trưởng là gì?

Kế toán trưởng (tiếng Anh: Chief Accountant) là người được Bộ Tài chính cấp phép trở thành Kế toán trưởng. Kế toán trưởng phụ trách, chỉ đạo chung các hoạt động của bộ phận kế toán. Kế toán trưởng có thể là trưởng bộ phận hoặc trưởng nhóm, tùy theo quy mô của doanh nghiệp.

Kế toán trưởng cần giám sát việc quyết toán các khoản chi thu, tổ chức kiểm kê tài sản, dòng tiền của doanh nghiệp vào cuối năm tài chính

Kế toán trưởng cần giám sát việc quyết toán các khoản chi thu, tổ chức kiểm kê tài sản, dòng tiền của doanh nghiệp vào cuối năm tài chính. (Ảnh: minh họa)

Trong các công ty lớn, Kế toán trưởng giám sát một nhóm các chuyên gia tài chính, và làm việc dưới quyền Giám đốc tài chính (CFO).

Các công ty ở Việt Nam thường yêu cầu bổ nhiệm vị trí Kế toán trưởng để đảm nhiệm chức năng kế toán và thuế.

Theo quy định của Luật Kế toán 2015, đơn vị kế toán phải bố trí Kế toán trưởng (trừ các đơn vị chỉ phải bố trí phụ trách kế toán). Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay Kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm Kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm Kế toán trưởng.

Các đơn vị chỉ phải bố trí phụ trách kế toán bao gồm các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước (Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán);

Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí Kế toán trưởng.

Như vậy, ngoài 2 loại đơn vị kế toán trên thì tất cả các đơn vị kế toán khác phải bố trí người làm Kế toán trưởng.

Tiêu chuẩn của người làm Kế toán trưởng

Theo quy định, tiêu chuẩn chung của người làm kế toán gồm: có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán; không thuộc các trường hợp không được làm kế toán, bao gồm: Người chưa thành niên; người hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị cấm hành nghề kế toán; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích; người thân của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định; người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Kế toán trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của người làm kế toán thông thường và một số yêu cầu khác đối với riêng kế toán trưởng. Cụ thể, phải có chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng; có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

Đối với các tổ chức, đơn vị khác ngoài các đối tượng đã được quy định, tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của Kế toán trưởng do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật Kế toán và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Đối với Kế toán trưởng của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

Tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ của Kế toán trưởng của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Vai trò của Kế toán trưởng

Kế toán trưởng là một trong các quản lý cấp cao, đưa ra các khuyến nghị cho các nhà quản lý trong việc tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Khi nền kinh tế đi xuống, vai trò của họ sẽ gia tăng do các phương pháp tài chính sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Kế toán trưởng chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các nhân viên kế toán trong bộ phận kế toán. Họ phải bảo đảm rằng mọi cá nhân trực thuộc sẽ thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường và tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo. Kế toán trưởng cũng là người chỉ dẫn cho nhân viên mới các quy trình làm việc và các quy định công thức kế toán của công ty.

Vị trí này cũng có nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và hiệu suất công việc trong công ty và các chi nhánh, cung cấp báo cáo kịp thời cho lãnh đạo và đưa ra ý kiến giúp lãnh đạo xử lý các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả và kịp thời.

Trong quản lý hoạt động kế toán, kế toán trưởng sẽ sử dụng các công nghệ, kỹ thuật mới giúp gia tăng hiệu quả, giảm thời gian và chi phí.

Ngoài ra, kế toán trưởng cũng là người thực hiện các giao dịch với ngân hàng.

Thủ tục thông báo thay đổi kế toán trường của doanh nghiệp

Khi có sự thay đổi người là Kế toán trưởng, doanh nghiệp thực hiện thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; chứ không cần thông báo với cơ quan thuế. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm cập nhật thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và chuyển thông tin sang cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.

Hồ sơ thông báo thay đổi kế toán trường bao gồm: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Mẫu phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

Văn bản uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thực hiện công việc;

Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được uỷ quyền thực hiện thủ tục (nếu có): Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực; Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Hà An