Doanh nghiệp bán lẻ: "Chuyển mình" theo công nghệ số

00:00 12/10/2020

Phát triển công nghệ số đang tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ, buộc các DN phải thích ứng qua việc đưa ra những chiến lược phù hợp để tồn tại và phát triển.

Theo các chuyên gia, ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến ngày càng mờ đi; đồng thời, công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho các bên thắt chặt quan hệ với nhau hơn. Đánh giá về tác động của công nghệ tới thị trường bán lẻ hiện nay tại Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - chia sẻ, có thể dùng hai từ nói về tương lai bán lẻ Việt Nam, đó là: Công nghệ và sáng tạo. Nếu không có hai yếu tố này, bán lẻ Việt Nam sẽ không phát triển được trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay.

doanh nghiep ban le chuyen minh theo cong nghe so

Doanh nghiệp bán lẻ không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ

Bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc CBRE châu Á - cho biết, xu thế chung của thế giới là các nhà bán lẻ online/thương mại điện tử đang có xu hướng mở thêm cửa hàng thực thể bằng cách xây dựng hoặc thuê của nhà cung cấp, ví dụ như: EverLane, KeepLand, Habitat, hay ngay cả Amazon cũng đã triển khai mô hình cửa hàng Amazon 4 Star Store… Điều này không chỉ giúp khách hàng chọn mua sản phẩm trực tuyến thông qua các ứng dụng (App) trên thiết bị di động, mà còn có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm. Vì thế, nhà bán lẻ cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ để mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng cho người tiêu dùng. Đơn cử, Nike ở Thượng Hải đã sử dụng 4.500m2 bán lẻ để người dùng trải nghiệm game và tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm của hãng; Tiffany ở New York hay Louis Vuitton cũng vậy.

Theo ông Geoffrey Morrison - Sáng lập và Giám đốc điều hành Concept I - khẳng định, yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ chính là công nghệ. Công nghệ tạo ra đặc thù độc đáo, khuyến khích sự tương tác của khách hàng với công nghệ số. Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí có thể tới cửa hàng tự thiết kế, lựa chọn rồi đặt món hàng đó.

Để ứng dụng công nghệ số, tạo ra những ứng dụng hữu ích tại cửa hàng, ông Geoffrey Morrison chỉ ra rằng, muốn phát triển, nhà bán lẻ cần tăng kết nối, tương tác với khách hàng; gắn thẻ khách hàng thường xuyên, kết hợp công nghệ cùng những đổi mới sáng tạo để gia tăng trải nghiệm mới cho họ cảm nhận... Qua đó, nhà bán lẻ giữ được những khách hàng trung thành, thu hút khách hàng tiềm năng. Tại Việt Nam, để bắt kịp xu thế này, nhiều năm qua, các nhà bán lẻ nội đã có những chiến lược phù hợp, giúp họ cạnh tranh với nhà bán lẻ ngoại. Bà Trần Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc Kinh doanh & Marketing Vincom Retail - cho hay, với sự hỗ trợ của công nghệ, các trung tâm thương mại mà Vincom Retail đang vận hành ngày càng thân thiện với người tiêu dùng, không chỉ giải quyết các vấn đề về logistics mà cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng. Công ty còn có bộ phận nghiên cứu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng để linh hoạt trong cơ cấu ngành hàng ở mỗi trung tâm thương mại.

Trong khi đó, Saigon Co.op, ngoài những trải nghiệm đã tạo cho khách hàng như thường xuyên làm mới quầy kệ, đa dạng ngành hàng, gắn công nghệ vào nâng cao trải nghiệm cho khách hàng thân thiết, trong năm 2019, sẽ chú trọng vào kênh bán trực tuyến nhằm đưa siêu thị đến tận tay khách hàng, mang đến những trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng Việt.

Ngành bán lẻ Việt Nam được giới chuyên gia dự báo sẽ chịu tác động của công nghệ số, truyền thông số nhưng chuyển động chậm hơn so với thế giới. Theo xu thế này, ngành bán lẻ sẽ có những cửa hàng quy mô lớn, áp dụng công nghệ 3D, màn hình cảm ứng để khách tự chọn, phối đồ, phối màu…

Thùy Dương