DN “gồng mình” với giá điện tăng

00:00 12/10/2020

Tăng chi phí giá thành, giảm lợi nhuận là những khó khăn DN phải gánh chịu khi giá điện tăng

Với việc tăng giá điện một cách đột ngột và lũy tiến theo bậc thang, DN chịu không thấu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Phạm Hải Long, Giám đốc CTCP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) cho biết, trong tháng 4/2019 chi phí tiền điện tăng đáng kể, khiến cho DN không khỏi bị “sốc”. Cụ thể, khi giá điện duy trì ở mức ổn định trước kia, trung bình Agrex Sài Gòn chi trả cho lượng điện phục vụ sản xuất kinh doanh khoảng 620 – 650 triệu đồng/tháng. Trong khi công suất và sản lượng của nhà máy không thay đổi, song với cách tính tiền điện theo bảng giá mới, khoản chi trả cho lượng điện năng tiêu thụ bây giờ lại “đội” lên thêm hơn 200 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể trong vài tháng trở lại đây, một số chi phí vận hành khác như nước sạch, xăng dầu... cũng đã tăng đáng kể và sắp tới, chi phí nhân công cũng bắt đầu rục rịch tăng, khiến cho DN chịu thêm nhiều áp lực.

“Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước cạnh tranh gay gắt nên mặc dù chi phí đầu vào cấu thành giá trị sản phẩm đang có xu hướng ngày càng tăng, nhưng DN không thể ngay lập tức tăng giá bán sản phẩm vì như vậy chẳng khác nào tự đánh mất khách hàng, thu hẹp thị phần. Hiện những giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng như sử dụng máy móc hiện đại, ít tiêu hao điện; trang bị các thiết bị tự động tắt, kiểm tra hệ thống sử dụng điện hàng tháng, hàng quý... DN đều đã áp dụng hết. Nhưng với cách tăng giá điện một cách đột ngột và lũy tiến theo bậc thang, DN chịu không thấu!”, ông Long phân trần.

Vị giám đốc này cũng nhấn mạnh, nếu thời gian tới Bộ Công thương và Tổng công ty điện lực (EVN) không có sự xem xét, điều chỉnh giá điện kịp thời về mức phù hợp hơn, nhiều khả năng kế hoạch tăng lợi nhuận năm 2019 của Agrex Sài Gòn là khoảng 36 tỷ đồng sẽ khó lòng đạt được vì phải “cõng” thêm quá nhiều chi phí gia tăng. Cùng hoàn cảnh tương tự, có rất nhiều DN sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông thủy sản xuất khẩu khác cũng đang “đau đầu” với câu chuyện giá điện tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của DN, thậm chí làm cho sản xuất của một số DN có nguy cơ đình đốn vì không đủ bù đắp nổi chi phí.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhiều DN sản xuất, chế biến trong ngành có khoảng 1 - 3  nhà máy, khi chạy hết công suất sẽ phải chi trả trung bình hơn 1 tỷ đồng tiền điện/tháng/nhà máy. Như vậy, với mức tăng giá điện bắt đầu từ ngày 20/3 theo thông báo của EVN, thì mỗi tháng riêng tiền điện sẽ phải “đội” lên hàng trăm triệu đồng. Một số DN cho biết thêm, họ đã áp dụng mọi biện pháp nhằm sử dụng điện năng một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất bởi vì hơn ai hết, DN hiểu rất rõ nếu không tự tiết giảm các chi phí vận hành sản xuất, DN sẽ phải chịu thiệt hại đầu tiên vì tất cả ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận. Nên nếu cứ đà này, có những DN sẽ phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là đóng cầu dao ngắt điện và ngưng sản xuất.

Với những DN thuộc ngành nghề tiêu tốn nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, dệt may, chế biến gỗ... việc chịu tác động nặng nề từ đợt tăng giá điện lần này là khó tránh khỏi. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, để sản xuất ra 1 tấn thép, trung bình phải tiêu tốn khoảng 600 KWh điện, tương đương 9 - 10% giá thành. Khi giá điện tăng 8,36%, cũng có nghĩa là giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Như vậy, rõ ràng giá điện tăng thì chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng theo. Một số DN thép đã và đang tìm cách chuyển đổi dần dây chuyền, công nghệ sản xuất để tránh những tác động từ việc giá điện tăng cao. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn vẫn là một áp lực, trở ngại với không ít DN sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn về vốn.

Theo nhận định của các chuyên gia, đối với mỗi lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thì việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ có tác động khác nhau. Thế nên, mức tăng và lộ trình như nào cho phù hợp, tránh “sốc” cho các DN trong bối cảnh thị trường chưa hết khó khăn là vô cùng quan trọng, nhất thiết phải tính toán đến.

 Trong một diễn tiến mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Các cơ quan này có trách nhiệm làm rõ, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi kết quả làm việc này, các DN vẫn tiếp tục phải “gồng” mình xoay sở với bài toán chi phí đầu vào để cân đối với giá thành sản phẩm đầu ra, nhằm duy trì hoạt động một cách bình ổn, vượt qua khó khăn.

Tuyết Thanh