Điều gì đằng sau sự quản lý thắt chặt của Trung Quốc đối với những gã công nghệ khổng lồ?

08:30 16/03/2021

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua nhờ sự hỗ trợ ngầm của chính phủ. Thế nhưng, những sự kiện gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ về vị trí của những gã khổng lồ đó.

Điều gì đằng sau sự quản lý thắt chặt Trung Quốc đối với những người khổng lồ công nghệ của họ?

Điều gì đằng sau sự quản lý thắt chặt Trung Quốc đối với những người khổng lồ công nghệ của họ?

Việc đình chỉ đợt chào bán cổ phiếu Ant Group của tỷ phú Jack Ma do những áp lực về mặt pháp lý của Chính phủ đưa ra và việc đưa ra chính sách chống độc quyền dường như được đề ra để kiềm chế những gã khổng lồ quyền lực nhất, bao gồm Alibaba Group và Tencent Holding (nhà điều hành siêu ứng dụng WeChat). Các cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt các biện pháp thắt chặt, mở đầu bằng việc mở ra một cuộc điều tra về hành vi độc quyền, trong đó cáo buộc Alibaba và sau đó chuyển hướng sang Tencent. Tất cả những điều đó đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về điều gì tiếp theo đối với những gã công nghệ khổng lồ vốn trước giờ bành trướng tại thị trường Trung Quốc và liệu quãng thời gian huy hoàng của những doanh nhân như Jack Ma sẽ sớm kết thúc?

Chuyện gì đã xảy ra?

Nhiều năm quản lý lỏng lẻo ở Trung Quốc đã giúp Ant trở thành một gã khổng lồ fintech, với các mảng kinh doanh bao gồm thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản và bảo hiểm. Nhưng ngay trước khi niêm yết số tiền khổng lồ 35 tỷ USD ở Thượng Hải và Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các quy định mới đối với ngành cho vay tiêu dùng, trong đó Ant là người chơi lớn nhất. Điều đó đã dẫn đến việc tạm dừng vô thời hạn đợt phát hành lần đầu ra công chúng của Ant vào ngày 5 tháng 11.

Một tuần sau đó, các nhà quản lý đã đề xuất quy tắc mới nhằm hạn chế các hoạt động độc quyền trên mảng internet, điều này đảo lộn hoạt động của các nhà đầu tư và xóa sạch 290 tỷ USD giá trị của các công ty dẫn đầu thị trường, bao gồm Tencent và Alibaba trong hai ngày. Các quy tắc đã được hoàn thiện chỉ trong ba tháng, nhấn mạnh tính cấp thiết của chiến dịch này. Tencent có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của việc tăng cường giám sát, với việc các nhà quản lý được cho là đang xem xét yêu cầu của gã khổng lồ truyền thông xã hội thành lập một công ty cổ phần tài chính để chứa các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và thanh toán của mình.

Vì đâu mà các nhà quản lý trở nên gay gắt

Hầu như mọi khi, các nhà lãnh đạo của đất nước đã nói rất ít về ý định của họ, ngoài việc bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự ổn định tài chính bằng cách giảm thiểu rủi ro. Một số nhà phân tích và nhà đầu tư cho biết họ nghĩ rằng các cơ quan quản lý chỉ đang tái khẳng định quyền giám sát của họ, chứ không phải tìm kiếm những thay đổi mạnh mẽ. Những người khác nghĩ rằng họ có thể đã trở nên thất vọng với sự vênh váo của các tỷ phú công nghệ và muốn dạy cho họ một bài học bằng cách trừng trị mạnh tay các công ty của họ - ngay cả điều nay gây nên những tổn hại đối với nền kinh tế và thị trường trong nước.

Điều này được cho là bởi tại một hội nghị vào tháng 10 năm ngoái, tỷ phú Jack Ma dành 20 phút phàn nàn rằng các quy định chính phủ sẽ gây ảnh hưởng tới cải tiến tại Trung Quốc. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin tỷ phú Jack Ma còn đánh giá các ngân hàng Trung Quốc vận hành với tâm lý của “cửa hiệu cầm đồ”.

Tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Reuters.

Ngay sau đấy, ông đã được triệu tập đến Bắc Kinh cho một cuộc họp chung hiếm hoi với các quan chức tài chính hàng đầu của đất nước. Tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 12 tháng 11 rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã rất tức giận trước bài phát biểu của Ma và đích thân đưa ra quyết định tạm dừng IPO.

Người lãnh đạo đình đám đứng sau hai trong số các tập đoàn lớn nhất của đất nước, Ant và Alibaba, Jack Ma được cho là một người tạo nên sự trỗi dậy thần tốc của lĩnh vực internet Trung Quốc. Từ lâu ông thường xuyên tham gia hội nghị toàn cầu, nhưng vị tỷ phú hào hoa này đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau khi vụ IPO của Ant bị trật bánh. Jack Ma đã tái xuất vào giữa tháng 1, đẩy giá trị thị trường của Alibaba lên 58 tỷ đô la. Trong khi sự xuất hiện của ông đã xua tan một số suy đoán nghiêm trọng hơn về số phận của đế chế của mình, các câu hỏi về chiến dịch rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ vẫn còn đó. Trong khi đó, người sáng lập Tencent, Pony Ma lại ít lên tiếng trước công chúng hơn so với người đồng hương của mình.

Đây có phải là một thay đổi lớn đối với Trung Quốc?

Ngoài sự hỗ trợ của thị trường tiêu dùng rộng lớn thì Chính phủ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ. Trong sản xuất, họ đã thúc đẩy phần lớn các công ty công nghệ lớn của thế giới đều đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, ngay cả khi không phải lúc nào công nghệ đó cũng do các công ty Trung Quốc thực hiện. Đô thị trung tâm Trịnh Châu, được người dân địa phương gọi là Thành phố iPhone, sẽ không trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất của Apple nếu không có sự khuyến khích của chính phủ. Mặc dù ít hoạt động hơn trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ, nhưng Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ bằng cách tạo ra các phiên bản Internet của riêng mình. Khi không có Facebook hoặc Twitter thì thay vào đó là WeChat của Tencent và Weibo của Sina Corp đã phát triển mạnh mẽ như các mạng xã hội. Sau khi Google của Alphabet rút lui thì Baidu đã mở rộng sự thống trị của mình trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm.

Không thể chối bỏ sự thành công của các công ty công nghệ tại Trung Quốc
Không thể chối bỏ sự thành công của các công ty công nghệ tại Trung Quốc.

Ánh hào quang của các công ty công nghệ Trung Quốc

Thực tế là Alibaba, Tencent đã phát triển ồ ạt và thống trị toàn bộ hệ sinh thái. Cùng với Ant Group, họ đã có tổng vốn hóa thị trường gần 2 nghìn tỷ đô la vào đầu tháng 11 - dễ dàng vượt qua những gã khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước như Bank of China để trở thành công ty có giá trị nhất của đất nước. Mạng lưới đầu tư của họ, bao gồm phần lớn các công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo (SenseTime, Megvii) đến tài chính kỹ thuật số (Ant Group). Sự xâm nhập của họ là bước đệm tạo ra những công ty thế hệ mới trong lĩnh vực công nghệ như Meituan và Didi Chuxing - Uber của Trung Quốc. Hiếm có những doanh nghiệp nước ngoài nào có thể phá vỡ ánh hào quang của họ. Gần đây, hẳn khổng thể không nhắc tới Tập đoàn ByteDance, chủ sở hữu TikTok - ứng dụng gây sốt cho giới trẻ toàn cầu.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, có vẻ như Ant Group và các nhà quản lý Trung Quốc đã đồng ý về một kế hoạch tái cấu trúc sẽ biến nó thành một công ty tài chính, khiến công ty này phải tuân theo các yêu cầu về vốn tương tự như đối với các ngân hàng. Ngân hàng trung ương trước đó đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Ant "hiểu được sự cần thiết của việc đại tu hoạt động kinh doanh của mình." Các nhà chức trách cũng đã đánh giá Ant vì những gì họ coi thường các yêu cầu quy định. Chưa rõ cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba sẽ diễn ra như thế nào và các cơ quan quản lý vẫn đang trong giai đoạn đầu kiểm tra Tencent và các công ty khác. Nhìn chung, các nhà chức trách ở Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ thận trọng khi tìm cách kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của những gã khổng lồ công nghệ mà không làm suy yếu một số câu chuyện thành công lớn nhất của công ty trong nước.

Bảo Bảo (Theo Bloomberg)