Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023: 6 đề xuất, kiến nghị để phát triển kinh tế báo chí

16:52 24/02/2023

Sáng nay 24/2, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 có sự tham gia của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước tham dự.

Đây là chương trình nằm trong dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta… từ đó đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Các đại biểu trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí/ Nguồn ảnh TNO

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm thông tin về một số khó khăn của các cơ quan báo chí trong nước đang gặp phải, đặc biệt là xu hướng giảm sút kinh doanh, nguồn thu không đảm bảo để duy trì bộ máy.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hầu hết các cơ quan báo chí hiện đang rất lúng túng trong tìm giải pháp để tháo gỡ các khó khăn. Để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm lớn từ cơ quan quản lý báo chí, khi chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời các tờ báo.

Đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để chuyển đổi mô hình doanh thu, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Bên cạnh đó, báo chí truyền thống cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin. Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình quảng cáo hiệu quả, bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả.

Chuyển đổi số thành công cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, giúp cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và trên thế giới.

Nhiều ý kiến khác đề cập đến cơ chế đặt hàng giữa cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước để “đôi bên cùng có lợi”. Một mặt cơ quan báo chí sẽ tăng doanh thu, bên cạnh đó cũng đóng góp trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, các gói đặt hàng ở địa phương không chỉ giúp cho báo chí phát triển mà còn góp phần quảng bá hình ảnh các công việc, thực hiện chính sách ở các địa phương.

Tại sự kiện, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho rằng, kinh tế báo chí là vấn đề cấp thiết, cần có lời giải sớm. Nếu giải được bài toán về kinh tế báo chí sẽ giúp các tờ báo của địa phương từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển mang tính đột phá.

"Để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí"Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn thông tin.

Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, hầu hết các lãnh đạo cơ quan báo chí trong nước đều trưởng thành từ người làm nội dung hoặc làm kinh tế báo chí tốt. Với tình hình hiện nay, Tổng Biên tập các tờ báo nên suy nghĩ để có giải pháp đưa tờ báo mình phát triển, đặc biệt, cần có đội ngũ phát triển kinh tế báo chí, làm quảng cáo. “Các Tổng Biên tập nên suy nghĩ phải có Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc… phụ trách về vấn đề kinh tế, tài chính, công nghệ”, ông Lâm cho biết.

Về phía Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Thanh Lâm cam kết, sẽ có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Đảng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước phát triển.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trên thực tế thời gian qua, nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển báo chí. Tới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần có những đợt tập huấn riêng "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ làm công tác tài chính của các báo. “Nếu tổ chức mà báo nào không cử cán bộ đi tập huấn thì nghiêm khắc phê bình. Việc này, khó một lần nhưng sau này sẽ trơn tru", ông Lâm cho hay.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để phát triển kinh tế báo chí trong thời gian tới.

Một là, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí "chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ba là, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí theo tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025. Cơ quan chủ quản xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; quan tâm, tạo cơ chế, giao nguồn lực để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Bốn là, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, trong các hoạt động kinh tế báo chí. Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí, tăng cường bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn.

Sáu là, các cơ quan báo chí đổi mới nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, kinh tế báo chí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao, thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy "bạn đọc là trung tâm". Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích.

Bích Phương