Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019: Cơ hội lớn đi cùng đòi hỏi khắt khe

00:00 12/10/2020

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh khi doanh nghiệp phát triển mạnh. Nhưng sự tăng trưởng, phát triển đó cần được thực hiện trong một môi trường phát triển bền vững, minh bạch và an toàn.

Thông điệp trên được cádoanh nghiệp gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra hôm nay (26/6) tại Hà Nội. Với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

Xây dựng một môi trường khuyến khích sự đổi mới là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Việt Nam..

Đòi hỏi khắt khe

Việt Nam chưa bao giờ là một địa điểm kém hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã coi việc các thành viên chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình và dự định mở rộng đầu tư, kinh doanh hết mức có thể là minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam.

Nhưng vào thời điểm căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài, khi nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước duy nhất và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này, thì đòi hỏi có được môi trường đầu tư, kinh doanh giúp tối đa hóa mọi cơ hội được các doanh nghiệp đẩy cao.

Trong những ý kiến gửi tới VBF giữa kỳ 2019, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã ghi rất rõ các đòi hỏi này. EuroCham mong muốn những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng và không cần thiết sẽ được loại bỏ, đơn giản hóa trong quý III/2019 theo như Nghị quyết 02/NQ-CP. Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) muốn có môi trường kinh doanh chuẩn mực cao, minh bạch và ổn định, từ đó đảm bảo mọi nhà đầu tư sẽ được tiếp cận các cơ hội một cách công bằng.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) lo ngại sự chậm trễ trong cấp giấy phép một số dự án tại TP.HCM và trong cải thiện hạ tầng ảnh hưởng đến các dự án đầu tư mới. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề cập sự xáo trộn trong hoạt động kinh doanh khi có sự thay đổi về quy định pháp luật trong thời gian ngắn, áp dụng không đồng bộ… và đòi hỏi tăng tính dự đoán trong môi trường pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp đủ thời gian chuẩn bị cho các luật mới…

Một cách thẳng thắn, sự hấp dẫn của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua chủ yếu nhờ chi phí lao động thấp và đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi. Các yếu tố này nhiều khi bù đắp cho những gánh nặng pháp lý mà nhà đầu tư phải đối mặt.

Tuy nhiên, các điều kiện đang thay đổi. Việt Nam không chỉ muốn tăng năng suất, chất lượng dòng vốn đầu tư, tham gia sâu vào nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, tận dụng các cơ hội để tạo được sự bứt phá trong tăng trưởng, từ đó đi nhanh hơn trong kế hoạch phát triển nhanh, bền vững…, mà còn muốn trở thành một địa điểm thu hút nguồn lực vào lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhiều nền kinh tế cũng đang đi con đường này.

“Đây là lý do chúng tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực tư nhân, những mong đợi đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân và vai trò ngày càng gia tăng của họ ở Việt Nam. Việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thúc đẩy đầu tư của các bên tư nhân, góp phần vào sự phát triển hơn nữa của Việt Nam”, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch JCCI viết tại văn bản gửi tới VBF giữa kỳ 2019.

Câu hỏi về đổi mới, sáng tạo

Giới đầu tư cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở nên thu hút hơn nếu đạt được sự cân bằng giữa định hướng chính sách rõ ràng, các quy định pháp luật tinh giản và cởi mở với các thị trường quốc tế. Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Amcham nhấn mạnh, xây dựng một môi trường khuyến khích sự đổi mới là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Việt Nam.

Khoa học và công nghệ luôn là những lĩnh vực có cơ hội lớn đòi hỏi cách tiếp cận chính sách với tư duy cấp tiến. Nhưng thực tế đang đặt ra khá nhiều vấn đề không dễ giải đáp ngay.

Nhóm công tác về đầu tư và thương mại của VBF đã gửi tới kiến nghị dài liên quan đến tài chính công nghệ (fintech), cho vay ngang hàng (P2P). Lý do là, trong khi fintech đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, thì ở Việt Nam, việc thiếu quy định hướng dẫn đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm hướng phát triển cho ngành này. Ngay việc không có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh cũng làm khó doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã thấy các doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề kinh doanh khác để cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng và chấp nhận rủi ro khi vận hành một dịch vụ có thể không được đăng ký”, Nhóm công tác về đầu tư và thương mại phản ánh thực trạng với mong muốn cần phải có giải pháp ngay.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp tham gia nhóm này cũng khuyến nghị, những quy định hướng dẫn tới đây cho các dịch vụ này không nên hạn chế về sở hữu nước ngoài, vì sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài, khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp trong khu vực.

Các thành viên liên kết của Liên minh VBF, gồm nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đã dành một mục về chuyển giao công nghệ trong danh sách các vấn đề rất quan trọng để tạo nên môi trường kinh doanh có chất lượng tốt tại Việt Nam. Lý do là, yêu cầu các thỏa thuận chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước phải được đăng ký theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ đang đặt ra gánh nặng hành chính và tài chính cho doanh nghiệp, tiềm ẩn đối với an ninh và bảo vệ bí mật kinh doanh liên quan đến công nghệ được chuyển giao. Hơn thế, các doanh nghiệp lo ngại, yêu cầu đăng ký có thể gây trở ngại cho việc chuyển giao và đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam.

Thực tế, giới đầu tư đang rất kỳ vọng vào xu hướng phát triển mới, những nền tảng mới của kinh tế số với tác động tích cực là giúp giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều người tiêu dùng hơn và tạo điều kiện tiếp cận các thị trường mới và có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, các xu hướng này đòi hỏi nền tảng chính sách mới.

“Chúng tôi đề nghị sự thay đổi, cho phép dòng chảy công nghệ và khoa học được khơi thông để tạo cơ hội cho Việt Nam trên con đường tăng trưởng bền vững”, bà Amanda Rasmussen khuyến nghị.

Khánh An