Điện Biên: Hiệu quả tích cực từ mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”

00:00 12/10/2020

Thực hiện đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, những năm qua, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên tham mưu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị quốc gia, củng cố quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia…

can-bo-chien-si-don-bien-phong-si-pa-phin-giup-do-nguoi-dan

Từ mô hình bám sát thực tiễn…

Là địa bàn Tây Bắc của Tổ quốc, BĐBP tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới Quốc gia dài 400,861 km, trong đó tuyến biên giới Việt - Trung dài 40,861 km; biên giới Việt - Lào dài 360 km với tổng số 29 xã thuộc 04 huyện gồm 327 thôn, bản; 21872 hộ/108.491 nhân khẩu sinh sống tại các khu vực giáp biên. Xuất phát từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa nên người dân ở hai bên biên giới cơ bản có mối quan hệ thân thích, họ hàng. Trước khi tổ chức kết nghĩa, tại các bản giáp biên của các nước, nhìn chung người dân đều coi nhau như anh em, người nhà; thường xuyên quan tâm, chia sẻ các công việc; bản bên này có việc gì thì người dân bên kia cũng chia sẻ. Song khi chưa kết nghĩa, việc đi lại, thăm thân hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, thăm hỏi gặp không ít khó khăn. Nhận thấy rõ thực tế này, hơn 3 năm qua, BĐBP tỉnh Điện Biên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”.

Một ngày trung tuần tháng 5, trở lại bản Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn huyện Nậm Pồ, một điểm sáng trong thực hiện kết nghĩa bản làng vùng biên, chúng tôi cảm nhận rõ những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ khi thực hiện kết nghĩa vào tháng 7/2014, những khó khăn, khúc mắc trong việc đi lại thăm thân, gặp gõ giữa nhân dân bản Tân Phong 1 và bản Huổi Lả (cụm bản Nà Lầm, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Ly, CHDCND Lào) đã được khắc phục triệt để. Việc lớn, việc nhỏ của bản Tân Phong 1 cũng là việc của bản Huổi Lả. Với những nội dung cụ thể, hoạt động kết nghĩa giưa hai bản Tân Phong 1 - Huổi Lả đã trở thành cầu nối tích cực, thiết thực. Vốn là hai bản vùng sâu vùng xa của hai nước, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, người dân ở Tân Phong 1 và Huổi Lả đã biết khai hoang, trồng trọt; áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Không chỉ vận động kết nghĩa, hướng dẫn bà con cách làm ăn, BĐBP còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nhân dân hai bên biên giới như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; xây dựng, tu sửa đường tuần tra biên giới, đường giao thông liên bản… Ông Lò Văn Pé, Trưởng bản Tân Phong 1 cho biết: “Cùng uống chung nguồn nước, từ lâu người Lào ở Tân Phong 1 và Huổi Lả đã luôn coi nhau như anh em trong nhà. Nhờ có BĐBP mà tình cảm đó lại càng thêm thắm thiết hơn”.

… Đến những hiệu quả thiết thực, bền vững

Với đặc điểm có đến 15 dân tộc anh em như Thái, Mông, Dao, Lào, Kinh… cùng cư trú trên địa bàn các bản vùng biên giới; giao thông đi lại khó khăn; đời sống của người dân còn có nhiều thiếu thốn nên kẻ thù thường xuyên lợi dụng chống phá khối đại đoàn kết, phá hoại truyền thống hữu nghị, lôi kéo đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên di dịch cư tự do, vượt biên trái phép… Vì vậy, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã thực sự có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.

Theo thống kê, đến tháng 3/2016, thực hiện Chỉ thị của Bộ Tư lệnh BĐBP, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” đã được triển khai thành công tại 3 cặp bản là bản Tân Phong 1 - Huổi Lả; bản Pa Thơm (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) - Na Luông (cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Ly) và xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - thị trấn Khúc Thủy (huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, nước CHND Trung Hoa). Qua đánh giá bước đầu, hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở lên thuận lợi; mỗi quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai nước cũng được củng cố bền vững. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con cũng được thúc đẩy, hiệu quả.

Theo đồng chí Đại tá Hoàng Minh Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên cho biết: “Được xác định là một nội dung trọng taam trong công tác đối ngoại quốc phòng, với nhiều hoạt động kết nghĩa và nội dung trao đổi, gặp gỡ nên nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định quy chế biên giới của nhân dân các dân tộc sống hai bên biên giới đã được nâng lên rõ rệt”. Và một trong những hiệu quả nổi bật nhất từ việc thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên tuyến biên giới của tỉnh Điện Biên đó là nhân dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên. Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của từng nước.

Phát huy những hiệu quả tích cực đa thu được, thời gian tới mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” sẽ được triển khai nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Điện Biên. Kết nối người dân ở các bản hai bên biên giới, kết hợp huy động sức mạnh của các lực lượng, triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” chính là điều kiện để BĐBP tỉnh Điện Biên thực hiện thứng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tạ Quang Đạo – VP Tây Bắc