Điểm nhấn tân binh trên thị trường chứng khoán 2018

00:00 12/10/2020

Tính đến 5/12, sàn HoSE đón 21 tân binh, HNX đón 6 tân binh và UPCoM chào đón 114 tân binh.

Theo thống kê của NDH, tính đến 5/12, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) chào đón 20 doanh nghiệp và 1 chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết mới. Trong đó, có các gương mặt đình đám làm thay đổi trật tự ngành hay thậm chí cả thị trường.

Tân binh CTCP Vinhomes đưa gần 2,7 tỷ cp lên sàn với mã chứng khoán VHM, giá chào sàn 92.100 đồng/cp. Vốn hóa ghi nhận tại thời điểm chào sàn đạt hơn 246,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 7,8% vốn hóa thị trường. Sau khi chào sàn, Vinhomes thực hiện chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 25% nâng vốn điều lệ lên 33.495 tỷ đồng. Với mức giá chốt phiên 6/12 tại 81.400 đồng/cp, vốn hóa thị trường VHM đạt 272,65 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,8% vốn hóa thị trường.

Vinhomes vốn là công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) với tỷ lệ sở hữu 69,66% vốn. Theo kế hoạch tái cơ cấu toàn tập đoàn, Vinhomes là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ mảng đầu tư, phát triển và kinh doanh bất động sản nhà ở, văn phòng và các hạng mục liên quan. Do vậy, hoạt động kinh doanh chính của Vinhomes là tập trung phát triển các dự án bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại phức hợp (không bao gồm bất động sản bán lẻ/TTTM). Nguồn thu nhập chính đến từ doanh thu bất động sản nhà ở, doanh thu cho thuê văn phòng và căn hộ, doanh thu bán các sản phẩm khác như căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ - shophouse, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ - shopoffice và các văn phòng có chức năng lưu trú – officetel.

Việc được tập trung và chuyển giao các công ty con/công ty liên kết trong mảng bất động sản của Tập đoàn Vingroup về đã giúp Vinhomes đạt được quy mô cũng như giá trị lớn khi chào sàn, tại 6/12 vốn hóa thị trường của Vinhomes chỉ đứng thứ hai sau công ty mẹ. Đồng thời, đơn vị cũng lập kỷ lục doanh thu thuần và lợi nhuận khi 9 tháng đầu năm đạt 22.405 tỷ đồng và 11.886 tỷ đồng, gấp đôi và gấp 5 lần cùng kỳ năm trước, lọt tốp các đơn vị tạo ra lợi nhuận lớn nhất trên thị trường qua mặt các “ông lớn” như VNM, GAS, MSN...

Bên cạnh đó, sàn HoSE đón nhận thêm 3 ngân hàng niêm yết mới là Techcombank, HDBank và TPBank. Trong đó, Techcombank chào sàn với mức giá 128.000 đồng/cp trở thành cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất thị trường. Sau khi chia thưởng tỷ lệ 1:2, cổ phiếu Techcombank đã về vùng giá 28.150 đồng/cp, vốn hóa thị trường ghi nhận 98 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 3 ngành ngân hàng sau Vietcombank và BIDV.

Hình minh họa

Ngoài ra, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) cũng cần nhắc đến khi chào sàn tại mức giá 250.000 đồng/cp, vượt qua SAB, CTD, VCF trở thành cổ phiếu có mức giá cao nhất trên thị trường. Đồng thời, Yeah1 cũng gây chú ý với việc huy động được 100 triệu USD trên thị trường quốc tế cho việc chào bán 7,8 triệu cp, ứng với mức giá 300.000 đồng/cp. Ngay sau khi chào sàn được vài phiên, YEG giảm rất mạnh từ 340.000 đồng/cp xuống dưới 200.000 đồng/cp. Hiện tại YEG đang giao dịch ở mức giá 276.000 đồng/cp nhờ thông tin phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% nhưng thanh khoản chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên.

Thống kê cho thấy sàn HNX chào đón 6 tân binh và sàn UPCoM chào đón 114 tân binh. Nhờ đón nhận thêm nhiều cổ phiếu niêm yết mới, tính đến 6/12, giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt 793 ngàn tỷ đồng, gấp 4 lần vốn hóa sàn HNX và bằng 25,8% vốn hóa HoSE.

Tân binh nổi trội trên sàn UPCoM có thể kể đến là Viettel Post (VTP) – công ty con Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với tỷ lệ sở hữu 68,08%. Đơn vị này mới đưa 41,4 triệu cổ phiếu lên sàn phiên 23/11 với mức giá khởi điểm 68.000 đồng/cp. Sau 10 phiên giao dịch, VTP đạt mức giá 125.554 đồng/cp phiên 6/12, tăng 84%.

Viettel Post thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm khi đạt 3.237,8 tỷ đồng, tăng 9%; lãi ròng 193 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Viettel Post cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh thị phần cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng các năm tiếp theo.

Theo Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HoSE: SSI) - SSI Research, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 500 triệu đô la, tương ứng với tốc độ CAGR là 44% trong giai đoạn 2017-2020. Thị phần của Viettel Post đạt 8% trong năm 2011 và tăng lên 25% vào cuối quý III năm nay, đứng thứ 2 sau Vina Post (35%). Công ty đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần vào năm 2020 và có thể đạt được vị trí dẫn đầu thị trường vào khoảng năm 2021.

Trong năm 2018, Viettel còn đưa một công ty con khác lên sàn là Viettel Global (VGI). Khối lượng cổ phiếu Viettel Global đưa lên giao dịch tại thị trường UPCoM đạt 2,24 tỷ cổ phiếu, vốn hóa thị trường hiện đứng vị trị thứ 6 trên thị trường UPCoM.

Viettel Global hiện đã đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique). Trong số đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi. Riêng thị trường Peru do Viettel Global trực tiếp quản lý và vận hành kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh chưa được tính vào Viettel Global do chính phủ nước này quy định chủ đầu tư phải đứng tên Tập đoàn Viettel. Tính đến hết năm 2017, Viettel Global phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế.

Một vài tân binh đáng chú ý khác như PV Power (POW), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV Oil (OIL), VEAM (VEA). Trong đó, POW có kế hoạch niêm yết và đã được HoSE thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết.

Ngọc Điểm